Multimedia Đọc Báo in

"Xe ôm ơi!"

08:47, 30/07/2014

“Đi xe ôm không chị?” – “Lên bến xe tỉnh bao nhiêu?” – “30 nghìn nhé!”. Cuộc mặc cả diễn ra nhanh chóng, sau đó cả chủ xe và khách bắt đầu cuộc hành trình… Có lẽ trong hình dung của nhiều người, nghề xe ôm chỉ đơn giản vậy, bởi mấy ai hiểu được nghề này đang sống lay lắt với những nỗi niềm…

“Đã nghèo còn mắc cái eo”

Nghề xe ôm ai cũng có thể làm được, chỉ cần chiếc xe máy, trang bị thêm một số kiến thức giao thông đường bộ và điều chủ yếu là phải thông thạo đường phố. Công việc này không nặng nhọc nên được nhiều người tuổi trung niên lựa chọn. Hành nghề xe ôm có nhiều thành phần, chủ yếu là lao động nghèo lấy đó là nghề chính mưu sinh, còn lại là những người tranh thủ lúc nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập, nhất là sinh viên. Những người hành nghề xe ôm thường tụ họp thành nhóm 3 người trở lên ở những nơi đông đúc, tập trung người qua lại như: các ngã tư, chợ, trạm dừng xe buýt, bến xe… Tại ngã tư Lê Hồng Phong - Quang Trung (TP. Buôn Ma Thuột), dù mới tầm 8 giờ sáng, trời nắng ráo khá đẹp nhưng chỉ có ba người xe ôm đứng chờ khách. Ông Mai Đức Hùng (63 tuổi) nói: “Bỏ nghề hết rồi, trước đây ngã tư này đông xe ôm lắm, đến 15 chiếc lận; nhưng giờ chỉ còn mấy anh em chúng tôi bám trụ kiếm ăn qua ngày thôi”. Ông Hùng cho biết ngồi từ 6 giờ sáng đến giờ vẫn chưa có khách nào, mà tình trạng này diễn ra thường xuyên, cả tháng nay trời mưa liên tục nên càng “ế”. Sau một hồi bắt chuyện, ông trải lòng tâm sự: “Trước đây tôi làm nghề chạy xe ba gác, sau vì thấy tuổi đã cao không kham nổi việc nặng nhọc nên dành dụm ít tiền mua chiếc xe máy làm nghề xe ôm, đến nay cũng được 11 năm vui buồn với nó rồi, tằn tiện cũng đủ ăn”. Vợ ông bán rau ở chợ đêm, có một đứa con đã lớn. “Con nuôi thôi cháu à, tôi bị thương nên không thể sinh con, thằng con tôi…” - Ông bỏ dở câu nói, bật khóc, nước mắt lăn dài trên khuôn mặt khắc khổ, đen sạm.

Những người làm nghề xe ôm mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đa phần là trụ cột chính trong gia đình, đời sống còn gặp nhiều khốn khó. Anh Phạm Đi (47 tuổi) hành nghề xe ôm ở Bến xe liên tỉnh bị bệnh u đại tràng và phải sử dụng hậu môn nhân tạo 4 năm nay, vợ anh bị tai biến nằm một chỗ, còn hai đứa con đang đi học xa. Hằng ngày, anh chạy xe ôm kiếm tiền nuôi cả gia đình, một tay chăm sóc mọi sinh hoạt của vợ. Anh buồn bã nói: “Dù làm xe ôm nhiều khó khăn nhưng giờ cũng không biết làm nghề gì, tôi chỉ biết cần mẫn chở khách để có tiền nuôi vợ, lo cho hai đứa nhỏ học thành tài, đứa con út của tôi năm nay thi vào đại học ở Sài Gòn đấy, hy vọng nó thi đỗ.”

Nghề xe ôm không còn phát triển như trước cũng dễ hiểu, khi người dân đã có nhiều lựa chọn hơn trong việc di chuyển đi lại. Nếu trước đây rất khó mua được chiếc xe máy vì giá cao thì giờ chỉ cần 2 – 3 triệu đồng là có chiếc xe máy Trung Quốc. Trong phạm vi thành phố nhỏ lại có nhiều phương tiện vận chuyển như xe buýt, taxi, cùng với nhu cầu người dân tăng cao muốn chọn loại xe tốt hơn để tránh mưa nắng. Do đó, thu nhập của người xe ôm giảm hẳn, trước đây khoảng 200 nghìn đồng/ ngày, giờ chỉ còn 100 nghìn đồng/ngày, có ngày không được đồng nào. Hiện nay, nhiều hãng taxi hoạt động khắp thành phố cộng với giá xăng tăng chóng mặt, những người xe ôm gặp khốn khó trăm bề. “Xăng tăng nhưng giá đi xe ôm có tăng được đâu, vẫn 5 nghìn đồng/km, bây giờ đã ít người đi huống hồ chúng tôi mà hô giá lên thì “đói” thật” - anh Đỗ Xuân Hồng (51 tuổi) lắc đầu ngao ngán. Cuộc sống vốn đã vất vả nay chồng chất thêm khó khăn, những người xe ôm phải “lay lắt” sống với nghề, mỗi ngày được “lăn bánh” là cả niềm vui với họ. Cả ngày mưa vẫn có vài người xe ôm mặc áo mưa chờ khách, hy vọng có được vài chục ngàn, thậm chí ít hơn khi có khách kì kèo: “Từ đây xuống chợ nhỏ mà 5 nghìn luôn à, đắt quá, 3 nghìn thôi…”.

Những người xe ôm vẫn ngày ngày cần mẫn chờ khách.
Những người xe ôm vẫn ngày ngày cần mẫn chờ khách.

Có lẽ ít nghề nào lại nhiều chuyện “dở khóc dở cười” như nghề xe ôm. Anh Hồng cười chua chát: “Mới mấy ngày trước thôi, tôi chở một anh mặc đồ rất sang trọng đi Cư M’gar, chạy hơn 30 phút thì anh ta bảo dừng trước một ngôi nhà để vào lấy tiền. Đợi 10 phút không thấy quay lại, tôi hỏi người trong nhà thì họ bảo không quen biết, còn anh ta chắc bỏ đi cửa sau”. Anh Hồng cho biết thêm nhiều khi mình đang “cháy túi”, lại gặp những “thượng đế rởm” như vậy, chưa kịp mừng thì phải “khóc mếu”. Có lần anh đang chở khách nửa đường thì hết xăng, khách “quỵt” tiền, anh phải đứng chờ bắt khách khác để có tiền đổ xăng về. Hay anh Nguyễn Văn Tiến (45 tuổi) làm xe ôm ở ngã tư Hà Huy Tập - Giải Phóng thì chia sẻ chuyện “éo le” hơn: hôm ấy chở khách đi xa, xe bị hư, trong túi không có một đồng, khách không trả tiền nên anh phải lủi thủi dắt xe hàng chục cây số giữa trưa nắng gắt. Và còn muôn chuyện “oái ăm” những người lái xe ôm gặp trên những cung đường như: khách nữ không có tiền trả, đề nghị “bù đắp” cách khác hoặc chở khách đến nơi thì khách bỏ chạy… Lắng nghe những câu chuyện của họ mà không khỏi chạnh lòng, tất cả cũng vì mưu sinh phải “bám víu” nghề, cố gắng chịu đựng những vất vả để chắt chiu từng đồng lo cho gia đình. “Làm nghề xe ôm ai cũng phải gặp những tình cảnh ấy, dù đã được anh em chia sẻ kinh nghiệm nhưng cũng khó tránh khỏi” - anh Tiến nói thêm.

Nghề xe ôm còn luôn rình rập những nguy hiểm khó lường: có khi phải chở những người nghiện ma túy mà không dám đòi tiền; đi xe va trúng thanh niên uống rượu, bị đe dọa; có người còn bị kẻ xấu hành hung, đe dọa tính mạng cướp mất xe… Ông Hùng cho biết: “Ở đây xe ôm đa phần đều chạy ban ngày, đến 6 - 7 giờ tối là nghỉ, không ai dám chạy xe ban đêm ở những nơi vắng vẻ nhằm tránh gặp phiền phức, nguy hiểm”.

Mong có sự hỗ trợ phù hợp

Bên cạnh những xe ôm lương thiện cũng có những người lợi dụng nghề xe ôm lừa đảo khách. Có người làm xe ôm “nửa vời”, được khách thuê chở hàng đến một địa điểm đã giao hẹn trước lại chở hàng đi luôn. Hay trường hợp cánh xe ôm “bắt tay” lừa khách bằng cách sau khi đã thỏa thuận xong giá cả, chở khách đến nửa đường viện cớ xe hư nhờ người bạn xe ôm chở tiếp và đòi giá cao gấp đôi ban đầu. Vì những “con sâu làm rầu nồi canh” ấy, những người xe ôm chân chính bị mang tiếng oan, không được khách tin tưởng. Hầu hết họ đều có nguyện vọng muốn hoạt động trong nghiệp đoàn xe ôm thành phố, có tổ chức bài bản, mặc đồng phục sẽ tránh nhầm lẫn với xe ôm tự phát và được hưởng những quyền lợi chính đáng để sống tốt hơn với nghề. Theo tìm hiểu, trước đây tại 33 Bà Triệu có “Tổ xe ôm phục vụ nhanh chóng” do những người xe ôm tự do thành lập, nhưng được một tuần thì tan rã vì hoạt động chưa mang lại hiệu quả giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên. Tại Bến xe liên tỉnh cũng đang có “Tổ xe thồ tự quản” khá chuyên nghiệp thuộc sự quản lý của bến, hoạt động 13 năm nay với khoảng 40 thành viên. Anh Mẫn, Đội phó “Tổ xe thồ tự quản” nói: “Mỗi người tham gia tổ xe thồ này đều nộp bến xe 200 nghìn đồng/tháng, được trang bị đồng phục và tự do ra vào trong bến đón khách, thu nhập khá hơn so với xe ôm tự do”. Đề cập đến vấn đề thành lập nghiệp đoàn xe ôm, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng phòng Vận tải, Sở Giao thông Vận tải cho biết: “Để thành lập một nghiệp đoàn cần phải có số lượng đông những làm nghề xe ôm sống bằng nghề đó, hành nghề chuyên nghiệp. Trong khi đó, nghề xe ôm đang gặp khó khăn trước sự cạnh tranh quyết liệt của taxi, xe buýt dẫn đến lực lượng xe ôm không nhiều, lại hoạt động kiêm nhiệm, không chuyên nghiệp. Vì thế việc thành lập nghiệp đoàn xe ôm khó thực hiện. Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khảo sát kỹ hơn để có những chính sách phù hợp hỗ trợ nghề xe ôm”.

Ngày qua ngày, những người xe ôm vẫn miệt mài chờ khách, tìm niềm vui trên những chuyến xe lăn bánh, chỉ đơn giản bắt đầu từ cái vẫy tay, những câu gọi “Xe ôm ơi!”.

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.