09:22, 13/08/2014
Từ nhiều năm nay, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã được các cấp chính quyền, tổ chức, đoàn thể, nhân dân quan tâm triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, vật chất và tinh thần ở cơ sở.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục như: một số nơi, đơn vị do chạy theo thành tích để được công nhận danh hiệu văn hóa nên làm qua loa, chiếu lệ không đúng quy trình bình xét; lại có nơi mặc dù đã đạt danh hiệu, nhưng sau một thời gian thì bỏ mặc, thiếu kiểm tra, nhắc nhở, nâng cao chất lượng, nên tình trạng vi phạm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… vẫn còn xuất hiện, thậm chí có chiều hướng gia tăng. Không những thế, theo báo cáo mới đây của Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của tỉnh, có những vùng, địa phương vẫn còn tình trạng một số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn nhưng không muốn được công nhận vì hiện tại họ đang nhận chế độ trợ cấp hằng tháng và chế độ ưu đãi khác của Nhà nước theo tiêu chuẩn hộ nghèo. Nếu nhận danh hiệu văn hóa thì nền kinh tế gia đình phải ổn định, đồng nghĩa là phải thoát nghèo không được hưởng trợ cấp nữa.
Việc nâng cao chất lượng hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở cơ sở đang trở thành một vấn đề cấp bách, bởi nó tác động trực tiếp đến việc xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người ở mọi lúc, mọi nơi. Thiết nghĩ, để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu và hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền và tổ chức, đoàn thể, địa phương cần xét duyệt chính xác, đúng thực tế và quy trình; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, đôn đốc, nếu đơn vị, địa phương hay gia đình nào không giữ vững thì nên tước danh hiệu để làm gương. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động các hộ dân tích cực chủ động, phát huy nội lực để thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; luôn chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước cũng như phong trào ở cộng đồng dân cư…
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc