Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp: Thêm một "kênh" bảo đảm an sinh xã hội (Kỳ I)

10:41, 02/02/2015

Có hiệu lực thi hành từ đầu năm 2009 đến nay, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã trở thành một trong những chính sách quan trọng trong công tác an sinh xã hội, góp phần “gỡ khó” cho doanh nghiệp và người lao động. Tuy nhiên, sau 7 năm nhìn lại, việc thực hiện chính sách này vẫn còn bộc lộ một số khó khăn, hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới.

Kỳ I: Tham gia bảo hiểm thất nghiệp: Lợi ích nhân đôi

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, hiện nay, Dak Lak có 1.992 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và 79.965 người lao động đã tham gia BHTN. BHTN đã góp phần giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn.

Giúp người lao động vượt khó

Trong tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải tính toán chặt chẽ việc sử dụng lao động, thậm chí phải giải thể, ngừng hoạt động hoặc thu hẹp hoạt động, tinh lọc bộ máy nhân lực, khiến nhiều lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp. Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, số người đến đăng ký BHTN liên tục tăng qua các năm, năm 2014 là 4.370 người, tăng 2.969 người so với năm 2010. Cùng với số đăng ký tăng, số người được hưởng BHTN cũng tăng từ 1.191 người được chi trả trợ cấp thất nghiệp trên 4,3 tỷ đồng năm 2010 lên 4.276 người năm 2014 với số tiền chi trả gần 40 tỷ đồng. Khoản tiền trợ cấp thất nghiệp đã góp phần giúp nhiều lao động có thêm điều kiện trang trải sinh hoạt hằng ngày, vượt qua khó khăn trước mắt.

Người lao động đến giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp  tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
Người lao động đến giải quyết thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Trước đây, chị Nguyễn Thị Bạch Vân ở phường Tân Lập (TP. Buôn Ma Thuột) làm việc cho một công ty bảo hiểm trên địa bàn thành phố nhưng do áp lực công việc, cuối năm 2014, chị đã xin nghỉ và đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đăng ký thất nghiệp. Sau khi nộp đủ hồ sơ theo yêu cầu, chị Vân được Trung tâm giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp trên 1,3 triệu đồng/tháng. Khi tìm được việc làm mới, chị đã đến Trung tâm thông báo tình trạng việc làm và được giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần với tổng số tiền trên 6,8 triệu đồng. Chị Vân cho biết: “Việc giải quyết thủ tục hưởng BHTN cũng khá nhanh chóng, thuận tiện. Số tiền trợ cấp thất nghiệp đã giúp gia đình tôi trang trải được một phần chi phí sinh hoạt hằng ngày và vượt qua thời điểm khó khăn nhất”. Tương tự, chị Dương Thị Xuân ở phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) cũng đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp trong thời gian 3 tháng. Trước đây, chị Xuân làm thu ngân cho một siêu thị trên địa bàn thành phố, nhưng do tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải tinh lọc bộ máy nhân lực nên khi hết hạn hợp đồng lao động, chị không được ký tiếp hợp đồng làm việc mới và rơi vào tình trạng thất nghiệp. “Mất việc làm khiến cuộc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn. Nhưng cũng nhờ có khoản trợ cấp thất nghiệp trên 1,3 triệu đồng/tháng đã giúp tôi có thêm điều kiện chăm sóc cho con tốt hơn”.

Giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp

Theo quy định, tham gia BHTN, người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1%, còn lại Nhà nước hỗ trợ 1% từ ngân sách. Sau khi người lao động đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên sẽ được hưởng chế độ trợ cấp BHTN bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Qua gần 7 năm (từ ngày 1-9-2009 đến nay), chính sách BHTN đi vào cuộc sống đã hỗ trợ đắc lực cho người lao động khi mất việc làm và giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất. Bởi BHTN là chính sách có nhiều nội dung tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động, góp phần thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất thu nhập do thất nghiệp.

Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHNT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT, BHNT nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Công ty Cổ phần đầu tư Xuất nhập khẩu Dak Lak được thành lập từ năm 1976 , trước đây là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Đến năm 2007, công ty chuyển đổi sang doanh nghiệp cổ phần nên phải sắp xếp lại bộ máy, tinh giảm nhân lực nhằm hạn chế tối đa chi phí, tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Ông Lưu Văn Hùng, Trợ lý pháp lý của công ty cho biết: Do sắp xếp lại bộ máy nên tổng số lao động của công ty giảm mạnh, từ 100 người xuống còn 50 người hiện nay. Từ năm 2008 trở về trước, khi doanh nghiệp chấm dứt hợp đồng với người lao động hoặc người lao động nghỉ việc, chuyển việc, doanh nghiệp phải trích từ quỹ phúc lợi hỗ trợ họ mỗi năm làm việc nửa tháng lương. Nếu trong năm đó vào một thời điểm nhất định, lao động nghỉ việc nhiều thì để trả tiền trợ cấp thôi việc cho người lao động, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về tài chính. Nhưng từ năm 2009 khi chính sách BHTN đi vào cuộc sống, người lao động và Nhà nước cùng tham gia nên đỡ áp lực cho doanh nghiệp trong vấn đề trợ cấp thôi việc cho người lao động, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay. Hàng tháng, doanh nghiệp chỉ trích 1% tiền lương cơ bản để đóng cho người lao động, còn người lao động thì yên tâm khi có chính sách BHTN, ngoài được trợ cấp thôi việc, BHTN còn được hỗ trợ học nghề và tìm việc làm mới.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, sau 5 năm (2010-2014) thực hiện chính sách BHTN, toàn tỉnh đã có 15.072 người đến Trung tâm đăng ký thất nghiệp, trong đó 14.372 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền đã chi trả trên 106 tỷ đồng.

(Còn nữa)

Nguyễn Xuân

 

 


Ý kiến bạn đọc