Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ hoạt động vận động hiến máu nhân đạo ở Trường Đại học Tây Nguyên

09:22, 15/05/2015
Song song với công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh nhà, Trường Đại học Tây Nguyên luôn quan tâm tổ chức các hoạt động xã hội nhằm rèn luyện đạo đức và kỹ năng sống cho sinh viên. Ngoài công tác nhân đạo, từ thiện, hiến máu tình nguyện là một hoạt động tiêu biểu của nhà trường.

Với trên 20.000 đoàn viên, thanh niên, từ năm 2004 đến 2015, Đoàn Trường Đại học Tây Nguyên đã vận động thu được trên 12.000 đơn vị máu. Với kết quả này, Trường Đại học Tây Nguyên đã được Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh đánh giá là đơn vị dẫn đầu về công tác tuyên truyền hiến máu tình nguyện trên địa bàn. Đây cũng là thành quả của công tác vận động hiến máu bằng những hình thức sáng tạo, hiệu quả của Trường Đại học Tây Nguyên trong những năm qua.

Để đưa phong trào hiến máu trong trường trở thành thường xuyên, hiệu quả hơn, tháng 3-2010, trên cơ sở phối hợp với Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, Trường Đại học Tây Nguyên đã thành lập Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện vận động hiến máu nhân đạo (CLB sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ). Từ vài thành viên ban đầu, đến nay, sau 5 năm đi vào hoạt động, số lượng thành viên trong Câu lạc bộ đã lên đến gần 100 người. Thầy Nguyễn Tiến Chương, Chủ nhiệm CLB sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ của Trường cho biết: “Tham gia Câu lạc bộ, các thành viên có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động đoàn viên, sinh viên tích cực tham gia hiến máu cứu người. Ngoài việc tuyên truyền qua băng-rôn, gửi thư ngỏ đến các lớp hay kêu gọi qua mạng xã hội Facebook, các thành viên trong Câu lạc bộ còn trực tiếp đến từng lớp học, từng phòng ký túc xá phổ biến, giải thích ý nghĩa của hoạt động hiến máu nhân đạo. Những hoạt động tích cực này đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức của sinh viên và số lượng người hưởng ứng phong trào này ngày càng đông. Tính từ ngày thành lập đến nay, tức là trong vòng 5 năm, Câu lạc bộ đã tổ chức vận động được 12 đợt hiến máu với 9.000 người đăng ký tình nguyện cho máu và thu được khoảng 6.500 đơn vị máu sạch”.

Các thành viên trong Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ  Trường Đại học Tây Nguyên trong một lần tham gia hoạt động hiến máu.
Các thành viên trong Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ Trường Đại học Tây Nguyên trong một lần tham gia hoạt động hiến máu.

Không chỉ tích cực vận động hiến máu, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ Trường Đại học Tây Nguyên còn xây dựng “Ngân hàng máu sống” với khoảng 80 thành viên thường trực, sẵn sàng hiến máu trực tiếp khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cần nguồn máu cấp cứu bệnh nhân lúc nguy kịch, hoạt động bất kể ngày đêm. Theo đó, danh sách, địa chỉ, nhóm máu và cả số điện thoại của các thành viên đều được Ban chủ nhiệm nắm rõ và liên lạc khi cần thiết. Ông Lê Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh cho biết: “Ngân hàng máu sống Trường Đại học Tây Nguyên là nguồn cung cấp máu chất lượng hơn nhiều so với máu được lưu trữ. Người bệnh cũng nhận máu được nhanh hơn. Nhờ đó, trong những năm qua đã có nhiều trường hợp bệnh nhân trên địa bàn tỉnh được cứu sống nhờ nhận được nguồn máu phù hợp, kịp thời”.

Là thành viên của Câu lạc bộ và cũng là người có thâm niên trong phong trào hiến máu, bạn Nguyễn Tín Thuận, sinh viên lớp YK 09C Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Là thành viên của Câu lạc bộ hiến máu tình nguyện và cũng tham gia vào ngân hàng máu sống của trường, em luôn ý thức được trách nhiệm của mình đối với xã hội, không chỉ hiến máu cứu người mà còn phải tích cực tuyên truyền, vận động để mọi người hiểu và cùng tham gia”. Còn bạn H’Juôn Mlô, sinh viên Sư phạm Ngữ văn K12, từng hiến máu 7 lần, trong đó có 3 lần hiến máu trực tiếp cứu người tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tự hào nhớ lại: “Vào dịp hè 2014, em nhận được cuộc điện thoại của Chủ nhiệm Câu lạc bộ báo có một ca bị tai nạn giao thông mất máu nghiêm trọng. Và em đã tức tốc có mặt ngay sau đó, cho máu kịp thời, góp phần giúp nạn nhân qua cơn nguy kịch. Lúc đó trong em là cảm giác tự hào xen lẫn hạnh phúc vì mình đã làm việc có ích”.

Để công tác hiến máu tình nguyện ngày càng đạt kết quả cao, thời gian tới, Câu lạc bộ sinh viên tình nguyện VĐHMNĐ Trường Đại học Tây Nguyên tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong toàn trường, xây dựng và phát triển thêm thành viên Câu lạc bộ, trang bị cho các tuyên truyền viên có đủ kiến thức và kỹ năng, phát huy lực lượng hiến máu tình nguyện nhiều lần làm nòng cốt trong công tác vận động để phong trào hiến máu ở nhà trường ngày càng sôi nổi.

Mỹ Hạnh - Quang Nhật


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.