Multimedia Đọc Báo in

Gập ghềnh đường vùng biên

08:42, 16/10/2015
Tỉnh lộ 1 có tổng chiều dài khoảng 80 km, là tuyến đường quan trọng nối TP. Buôn Ma Thuột với Vườn Quốc gia Yok Đôn, huyện Buôn Đôn và Ea Súp. Hiện nay, đoạn đi qua địa bàn huyện biên giới Ea Súp đang bị xuống cấp nghiêm trọng, gây khó khăn cho việc đi lại, giao thương của người dân, cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...

Đoạn đường đi qua xã Cư M’lan và đoạn từ Cầu Sắt nối Trung tâm huyện với các xã Ea Lê, Ea Rốk, Ia J’lơi, Ya Lốp đã biến dạng hoàn toàn. Hàng chục ki-lô-mét đường nhựa đã biến thành đường đất với những “ổ gà”, “ổ voi” trải dài, mặt đường lồi lõm, lởm chởm đất đá khiến giao thông đi lại rất khó khăn. Do đang trong mùa mưa nên nhiều chỗ nước ứ đọng trên đường trở thành “cái bẫy” nguy hiểm, dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Có mặt tại xã Ea Lê, chúng tôi mới thấy được sự gian truân, nỗi bức xúc của bà con về con đường “đau khổ” này: hàng quán dọc hai bên tuyến đường thì ế ẩm do bụi bặm, học sinh đi học luôn bị ám ảnh bởi những lúc mưa to, xe trượt ngã lấm lem bùn đất… Theo phản ánh của người dân, hằng ngày trên tuyến đường này có rất nhiều phương tiện lưu thông, trong đó có hàng trăm lượt xe quá tải chở nông sản. Ngoài ra, dọc theo tuyến đường còn có nhiều trường học nên việc đường xuống cấp cộng với người đông, phương tiện qua lại nhiều khiến cho nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông rất cao. Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Lê cho biết: “Tỉnh lộ 1 đoạn qua địa bàn xã Ea Lê được Nhà nước đầu tư nhựa bán thấm nhập nhưng qua quá trình sử dụng đã bị hư hỏng. Trong những lần tiếp xúc cử tri, người dân đã phán ánh đề nghị sửa chữa nhưng đến nay việc tu sửa, bảo dưỡng cũng chỉ thực hiện theo kiểu “chắp vá”. Năm nào cũng thấy tu bổ, sửa chữa nhưng lại càng xuống cấp trầm trọng, khiến việc đi lại vô cùng khó khăn. Ở đây đang diễn ra tình trạng “đất hóa đường nhựa” chứ không phải là “nhựa hóa đường đất” như các địa phương khác...”. Trong khi chờ đợi Nhà nước, người dân dọc tuyến đường đã lấy đất đá, san lấp các vũng lún để hạn chế tai nạn, nhưng đang là mùa mưa nên chỉ được mấy ngày là toàn bộ bị cuốn phăng hết...

Tỉnh lộ 1 (đoạn đi qua địa bàn huyện Ea Súp) nhiều nơi  nước ứ đọng thành “ao” giữa đường.
Tỉnh lộ 1 (đoạn đi qua địa bàn huyện Ea Súp) nhiều nơi nước ứ đọng thành “ao” giữa đường.

Không chỉ riêng tuyến Tỉnh lộ 1 mà hầu hết các tuyến đường giao thông khác ở huyện Ea Súp đã xuống cấp nghiêm trọng vì hằng ngày phải “oằn mình” gánh chịu sức nặng của những chiếc xe ô tô chở quá tải cày xéo. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng thời tiết, thiên tai bão lũ, thời gian sử dụng quá lâu; việc duy tu bảo dưỡng không thường xuyên, thiếu nguồn vốn để sửa chữa cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Ea Súp Hoàng Thế Nghị cho biết: “Huyện Ea Súp có gần 700 km đường giao thông các loại. Trong những năm qua, một số tuyến đường trên địa bàn huyện đã được Nhà nước đầu tư, tuy nhiên hầu như đầu tư ban đầu chỉ là nhựa bán thấm nhập, cấp phối mà đặc thù địa hình của Ea Súp chủ yếu là đất sét pha cát nên thường ngập úng về mùa mưa, bụi về mùa khô. Do tuyến đường xuống cấp nên nông sản của người dân địa phương sản xuất ra như ngô, sắn, mía… bị tư thương, doanh nghiệp ép giá khiến cuộc sống của người dân vốn đã khó khăn càng khó khăn hơn. Vì vậy, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào các dân tộc vùng sâu nơi đây, chúng tôi mong muốn tỉnh và Trung ương quan tâm đầu tư nâng cấp tuyến đường này, tạo điều kiện cho người dân đi lại thuận lợi và việc giao thương hàng hóa, nông sản cũng dễ dàng hơn, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Bình Chính, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thừa nhận, không riêng gì Tỉnh lộ 1 mà nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh đã và đang xuống cấp nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí phục vụ cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, nâng cấp cải tạo mặt đường chưa đáp ứng được nhu cầu. Hằng năm, Sở Giao thông Vận tải phân bổ trên 20 tỷ đồng cho việc tu sửa các tuyến Tỉnh lộ nhưng chỉ đáp ứng được khoảng gần 50% nhu cầu. Mới đây, Tỉnh lộ 3 và 9 đã được UBND tỉnh cho chủ trương nâng cấp, ngành Giao thông cũng đã lập xong dự án nhưng do thiếu vốn nên dự án vẫn còn nằm trên giấy! Bên cạnh đó, những năm gần đây, do số phương tiện tham gia giao thông tăng mạnh, nhất là các phương tiện có tải trọng lớn, nên càng làm cho đường xuống cấp nhanh chóng. Mặt khác, do đặc thù thời tiết 6 tháng mùa mưa nên cũng làm ảnh hưởng nhiều đến tuổi thọ các công trình giao thông tại Đắk Lắk…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc