Đồng cảm và sẻ chia
Kinh tế gia đình ông Trần Văn Học và bà Trần Thị Út Hiền (khối 14, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) không khấm khá, nhưng tinh thần mình vì mọi người được xem như lẽ sống của vợ chồng cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam.
Đầu những năm 2000 giá cà phê giảm thấp khiến không ít gia đình ở khối 14 (thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) điêu đứng. Để giải quyết khó khăn về tài chính, mua vật tư đầu tư cho cây trồng, vật nuôi, nhiều gia đình ở đây tìm đến các chủ đại lý thu mua nông sản, kinh doanh phân bón để “chốt” cà phê với giá thấp (bán non); không ít hộ phải vay “nóng” với lãi suất cao để có vốn đầu tư cho sản xuất, chi tiêu sinh hoạt.
Các thành viên tổ đoàn kết khối 14, thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) tặng gạo gia đình có hoàn cảnh khó khăn. |
Cùng chung hoàn cảnh và để giải quyết việc thiếu vốn, bà Út Hiền đã đứng ra vận động chị em trong khối thành lập tổ đoàn kết góp vốn hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, ưu tiên những chị em khó khăn được nhận vốn trước. Ban đầu, tổ chỉ có 10 chị tham gia (mỗi chị góp 60.000 đồng), sau đó có thêm 10 chị nữa góp vốn với mức góp 200.000 đồng/chị. Thấy rõ hiệu quả thiết thực, nhiều chị em trong khối tự nguyện tham gia, số tiền góp vốn tăng lên không ngừng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều hộ có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Như gia đình ông Trà Văn Dư, Trưởng ban Mặt trận khối 14 tham gia góp vốn nên có điều kiện lo cho các con ăn học; mua phân bón đầu tư cho vườn cà phê. Ông Dư xúc động, nói: Giờ đây, khi 2 con đã hoàn thành chương trình đại học, có việc làm ổn định, tôi vẫn tiếp tục góp vốn để hỗ trợ cho các hộ khó khăn khác. Tôi thấy đây là mô hình hay, đặc biệt sự nhiệt tình của thím Út đã gắn kết bà con trong khối, xây dựng tình làng nghĩa xóm bền chặt”.
Tổ đoàn kết góp vốn đều đặn họp vào ngày 18 âm lịch hằng tháng, vào ngày này bà Út Hiền lại tranh thủ động viên chị em thực hiện tốt nghĩa vụ ở địa phương, giúp nhau phát triển kinh tế, chăm lo gia đình... Khi tổ đoàn kết hoạt động ổn định, các thành viên thống nhất mỗi lần nhận tiền góp đều trích lại 15 nghìn đồng/triệu để gây quỹ tặng quà cho thiếu nhi học giỏi, thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự; xây dựng hũ gạo tình thương; heo đất tiết kiệm. Hiện nay, khối 14 chỉ còn 5 hộ nghèo; liên tục nhiều năm liền khối được công nhận danh hiệu văn hóa. Điều đáng mừng, nhiều thành viên tổ góp vốn đã xin ra khỏi tổ bởi đã thoát nghèo.
Là thương binh hạng ¾, mấy năm gần đây sức khỏe bà Út Hiền giảm đi nhiều do di chứng vết thương thời chiến tranh. Dẫu vậy, hễ trong khối có ai khó khăn, hoạn nạn, bà Út Hiền lại đến thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, khi ít gạo, mắm, muối, vài chục nghìn, có lúc số tiền là vài triệu đồng. Cả với những người không quen biết, bà cũng sẵn sàng lòng giúp đỡ; nhiều phần quà, tiền của đồng đội, chính quyền địa phương hỗ trợ cho vợ chồng và con trai tật nguyền (nạn nhân da cam), bà đều “chia” cho những người kém may mắn hơn.
Mồ côi mẹ, phải đi giúp việc nhà từ nhỏ, năm 14 tuổi Út Hiền đi theo cách mạng, 6 lần bị thương do bom đạn, có lúc tưởng hy sinh, nhưng bà may mắn thoát chết. Cũng như nhiều ông bố bà mẹ có con bị nhiễm chất độc da cam, bà Út Hiền lo sợ “khi bóng xế về tà” sẽ không ai chăm sóc cho đứa con trai út bất hạnh. Với bà làm nhiều việc thiện chỉ để làm phúc cho con. “Người ruột đứt mới thương người đứt ruột”, bà Út Hiền quyết định thành lập tổ đoàn kết, phát tâm giúp đỡ những người kém may mắn dù kinh tế gia đình không khấm khá. “Nói chuyện thấu tình đạt lý, nên hễ thím Út Hiền đến nhà ai vận động đều được mọi người đều mở rộng cửa đón tiếp và sẵn sàng ủng hộ cho dù hoàn cảnh rất khó khăn. Thím Út Hiền làm được điều này bởi tính trung thực, minh bạch, nhưng hơn hết là tấm lòng vì mọi người”, ông Trà Văn Dư, Trưởng Ban mặt trận khối 14 nhận xét. Còn với bà Út Hiền “Tôi làm tất cả điều này là vì con mình và nhờ có chồng luôn ở bên cạnh động viên, chia sẻ, thấu hiểu”.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc