Sẵn sàng hiến đất, phá bỏ cây trồng làm đường giao thông
Nhận thức được việc làm đường là phục vụ cho chính mình và góp phần xây dựng nông thôn mới, trong thời gian qua nhiều gia đình ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) đã tự nguyện đóng góp tiền, hiến đất, phá bỏ cây trồng trên đất để giải phóng mặt bằng mà không cần sự hỗ trợ hay đền bù của Nhà nước.
Đoạn đường từ thôn Đoàn Kết đến trung tâm xã Ea Kuêh có chiều dài 1,9 km. Đây là con đường chính của bà con trong thôn nên lưu lượng phương tiện tham gia giao thông khá lớn. Thời gian qua, đoạn đường này bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng gây rất nhiều khó khăn, trở ngại khi lưu thông. Trong Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, năm 2016 tỉnh có chủ trương đầu tư bê tông hóa tuyến đường này với chiều rộng mặt đường 3,5 m. Tuy nhiên, để có nền đường rộng như vậy thì người dân sinh sống hai bên đường cần hiến đất, tháo dỡ các công trình.
Người dân thôn Đoàn Kết hiến đất, phá bỏ cây trồng giải phóng mặt bằng làm đường giao thông. |
Xác định đây là cơ hội tốt để phát triển hạ tầng giao thông, ngay từ khi có chủ trương xây dựng tuyến đường, thôn Đoàn Kết đã tổ chức họp dân để triển khai. Lúc đầu, nhiều hộ tiếc của, không đồng tình tham gia. Tuy nhiên, sau một vài cuộc họp của thôn, bà con đã nhận thức được lợi ích khi tuyến đường được nâng cấp, mở rộng nên đã nhất trí đóng góp kinh phí và hiến đất, phá bỏ cây trồng giải phóng mặt bằng để làm đường. Những vườn cà phê, hồ tiêu, cây ăn quả... đang trong giai đoạn kinh doanh đều được người dân phá bỏ để nhường đất mở rộng, nâng cấp tuyến đường... Anh Vũ Văn Cường là một trong những hộ đóng góp nhiều nhất thôn. Đất của anh trải dài ở cả 2 bên đường, theo quy định phải lùi vào 4 m (tổng diện tích 340 m2), đồng thời phải chặt bỏ 50 cây cà phê và 30 trụ tiêu đang trong giai đoạn kinh doanh. Anh Cường cho biết: “Tôi tiếc lắm chứ vì số lượng cà phê, tiêu phải chặt bỏ cho thu nhập không ít. Với giá 150.000 đồng/kg tiêu và 36.000 – 37.000 đồng/kg cà phê, năm nay gia đình thất thu khoảng 30 triệu đồng. Nhưng đó là lợi trước mắt, còn về lâu dài, nếu tuyến đường được mở rộng thì việc đi lại sẽ dễ dàng hơn, bà con bán được nông sản với giá cao hơn”. Dù nguồn thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nhưng khi được vận động giải phóng mặt bằng để làm đường, gia đình bà Bùi Thị Vận và ông Phan Văn Bé vẫn sẵn sàng phá đi 10 cây cà phê và 22 trụ tiêu đang cho thu hoạch. Bà Vận chia sẻ: “Đất gia đình tôi kéo từ chân dốc lên đến đỉnh dốc với chiều dài hơn 100 m, để làm đường thì ngoài diện tích cây trồng phá đi gia đình còn phải hiến hơn 200 m2 đất. Tiếc thì tiếc nhưng làm đường là phục vụ cho chính mình nên gia đình nhất trí hiến đất luôn, không đòi hỏi phải đền bù hay hỗ trợ cả”.
Tuyến đường đang được cứng hóa |
Các hộ dân trên tuyến đường đã tự nguyện hiến khoảng 8.000 m2 đất, phá bỏ 274 trụ tiêu, 174 cây cà phê và 9 cây điều đang trong giai đoạn kinh doanh... Ông Đinh Trọng Hảo, Bí thư Chi bộ thôn Đoàn Kết, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) cho biết: Ngoài hiến đất, các hộ dân sống trên tuyến đường và gần đó cũng đóng góp 1 triệu đồng/ha làm kinh phí để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Với diện tích 110 ha, số tiền nhân dân đóng góp cũng lên đến 110 triệu đồng. Tuyến đường hiện đang được san ủi làm cứng hóa nền đường và sẽ được bê tông hóa trong thời gian tới. Theo kế hoạch, tuyến đường khi hoàn thành sẽ dài 7 km, đổ bê tông chiều rộng mặt đường 3,5 m, còn hai bên là lề và mương.
Trung Dũng
Ý kiến bạn đọc