Multimedia Đọc Báo in

Thông tin phản ánh về lĩnh vực đất đai: Đường dây nóng vẫn... "nguội"

09:33, 23/08/2016

Nhằm tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân thông tin, phản ánh, kiến nghị về  việc giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, cũng như thái độ, hành vi của cán bộ thực thi công vụ, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập và công bố số điện thoại đường dây nóng; tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, số điện thoại này vẫn chưa thực sự “nóng”.

Thực hiện Công văn số 1415/BTNMT-TCQLĐĐ, ngày 21-4-2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc rà soát, chấn chỉnh việc thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, ngày 10-5-2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và tình trạng gây nhũng nhiễu trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh qua số điện thoại 0500.3854643 (tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị trong giờ hành chính) và địa chỉ thư điện tử: thanhtra@tnmt.daklak.gov.vn

Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thị xã Buôn Hồ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh thị xã Buôn Hồ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Để phát huy hiệu quả đường dây nóng, Sở đã bố trí cán bộ trực, tiếp nhận thông tin; chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị có liên quan xử lý, trả lời các phản ánh, kiến nghị trong hoạt động quản lý Nhà nước về đất đai; đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp nắm bắt được việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về tiêu cực qua các đường dây nóng. Tuy nhiên, sau hơn 3 tháng đi vào hoạt động, đường dây nóng chỉ mới tiếp nhận 1 ý kiến phản ánh của người dân về việc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Krông Búk gây chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục tách thửa. Sau khi nhận được thông tin này, lãnh đạo Sở đã chỉ đạo xử lý ngay. Còn lại, thông tin nhận được chủ yếu là những vướng mắc của người dân liên quan đến các thủ tục hành chính như nơi tiếp nhận, các thủ tục, giấy tờ cần thiết khi mua bán, sang nhượng, chuyển đổi… đất đai. Theo anh Vũ Hoàng Tùng, cán bộ trực đường dây nóng, khi tiếp nhận thông tin từ các tổ chức, cá nhân liên quan đến lĩnh vực đất đai, nếu những câu hỏi liên quan đến vướng mắc về thủ tục hành chính thì cán bộ trực sẽ trực tiếp giải thích, trả lời ngay; còn những vụ việc khiếu nại, kiến nghị sẽ tiếp nhận, hướng dẫn hoặc báo cáo lãnh đạo Sở giải quyết rồi trả lời lại cho người dân.

Cán bộ trực điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.
Cán bộ trực điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, từ đầu năm 2016 đến nay, Bộ đã nhận được 1.631 đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến vấn đề tranh chấp đất đai, ô nhiễm môi trường và khoáng sản từ các tổ chức, người dân tại các tỉnh thành trên cả nước; trong đó, lĩnh vực đất đai chiếm tới 97%. Đối với tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua, số lượng đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực đất đai phát sinh lớn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 100 đơn thư, tiếp 65 lượt/65 công dân đến khiếu nại, kiến nghị, phản ảnh; chủ yếu tập trung ở lĩnh vực đất đai như tranh chấp, khiếu nại, kiến nghị về bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất. Ông Phạm Duy Toản, Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Việc công bố đường dây nóng không chỉ giúp người dân phản ánh, kiến nghị tình trạng nhũng nhiễu của một số cán bộ khi giải quyết thủ tục hành chính mà đây còn là kênh thông tin giúp chúng tôi kịp thời phát hiện, xử lý sai phạm của cán bộ cơ sở. Tuy vậy, mặc dù đã có văn bản thông báo, phổ biến tại các huyện, thị xã, thành phố nhưng những thông tin, vụ việc phản ánh, khiếu nại về tiêu cực trong lĩnh vực đất đai qua đường dây nóng của Sở dường như không có, mà chủ yếu là tiếp nhận qua đơn thư”. 

Có thể nói, quản lý và sử dụng đất đai là lĩnh vực “nóng”, thường được đưa ra tại nhiều cuộc họp, tiếp xúc cử tri… ở các cấp, ngành, địa phương. Do đó, để không còn những vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự xã hội, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin để người dân biết đến đường dây nóng và kịp thời phản ánh, kiến nghị về tiêu cực trong thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Từ đó, cơ quan có thẩm quyền kịp thời xử lý, giải quyết dứt điểm những vấn đề bức xúc của nhân dân cũng như chấn chỉnh tình trạng nhũng nhiễu, quan liêu trong một bộ phận cán bộ cơ sở khi thực thi nhiệm vụ.        

Theo kết quả khảo sát về “Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh” (PAPI) 2015, có khoảng 44% số người đã làm thủ tục liên quan đến sổ đỏ trong năm phải bỏ ra một khoản phí “bôi trơn” cho các “cò chuyên môn” mới làm xong được thủ tục (tăng gần gấp đôi so với năm 2014); khoảng 57% nhận được sổ đỏ sau 30 ngày và 22% số người làm thủ tục phải chờ từ 100 ngày trở lên mới nhận được kết quả…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.