Multimedia Đọc Báo in

Ấm lòng người có công

09:51, 03/10/2016

Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, thị xã Buôn Hồ đã nỗ lực chăm lo, nâng cao đời sống của đối tượng chính sách bằng những việc làm thiết thực.

Cứ vào dịp lễ, Tết hằng năm, căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bốn (SN 1926) ở phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) lại đông vui và ấm cúng hơn bởi ngoài sự chăm lo của con cháu còn có sự thăm hỏi, động viên, tặng quà của lãnh đạo địa phương, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cùng cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự thị xã – đơn vị nhận phụng dưỡng Mẹ.

Mẹ Bốn có 10 người con, trong đó anh Nguyễn Viết Tòng và Nguyễn Viết Liễu đã hy sinh năm 1953 và 1954. Mẹ vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ Việt Nam Anh hùng năm 2014 và hiện đang sinh sống cùng gia đình con trai út. Anh Nguyễn Văn Hoàng Vũ, cháu trai của Mẹ cho biết: “Bà năm nay đã 90 tuổi, lại bị bệnh suy tim độ 3,  thường xuyên đau ốm nhưng được sự quan tâm thăm hỏi như vậy bà vui lắm”.

Lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ cùng đại diện các đơn vị thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bốn.
Lãnh đạo UBND thị xã Buôn Hồ cùng đại diện các đơn vị thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Bốn.

Trong căn nhà Tình nghĩa khang trang, bà Bùi Thị Triệu, cựu thanh niên xung phong ở thôn Tân Tiến (xã Ea Blang) xúc động: “Nếu không được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp thì chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới có được căn nhà xây kiên cố”. Sau 7 năm đi thanh niên xung phong ở chiến trường Lào, năm 1974, bà trở về địa phương và đến năm 2003, chuyển vào Đắk Lắk sống cùng gia đình con trai cả trong căn nhà gỗ nhỏ. Sức khỏe của bà ngày càng yếu nên chỉ quanh quẩn ở nhà chăm cháu cho các con đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Chia sẻ trước khó khăn đó, năm 2015, Hội Cựu thanh niên xung phong các cấp đã hỗ trợ gia đình 52,5 triệu đồng, hội viên xã Ea Blang giúp ngày công xây dựng căn nhà Tình nghĩa trị giá 60 triệu đồng.

Thị xã Buôn Hồ hiện có 794 người có công với cách mạng, trong đó có 469 đối tượng hưởng trợ cấp hằng tháng. Những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được các cấp, ngành quan tâm thực hiện và trở thành nét đẹp trong đời sống của người dân. Nhiều hành động, việc làm có ý nghĩa như: phối hợp tổ chức khảo sát, tìm kiếm mộ liệt sỹ, chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ; dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình chính sách; đưa đối tượng chính sách đi tham quan, nghỉ dưỡng; cấp thẻ bảo hiểm y tế và tích cực chăm sóc sức khỏe miễn phí cho đối tượng chính sách ngay từ cộng đồng... Các chế độ, chính sách dành cho các đối tượng người có công luôn được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Đặc biệt Kỷ niệm Ngày Thương binh - liệt sỹ, dịp lễ, Tết, ngoài việc tổ chức rà soát, lập danh sách đối tượng người có công được nhận quà của Chủ tịch nước và bảo đảm chuyển quà đúng, đủ, kịp thời đến từng đối tượng, chính quyền địa phương các cấp luôn tổ chức thăm, tặng quà.

Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị, cá nhân trên địa bàn đã tham gia nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa như: Đoàn thanh niên với công tác chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, tình nguyện giúp sửa chữa nhà ở cho gia đình chính sách; Hội cựu chiến binh tổ chức tọa đàm, kể chuyện, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; Hội Cựu thanh niên xung phong góp vốn, ngày công xây nhà tình nghĩa cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn... Nhiều gia đình chính sách đã được tiếp cận và vay vốn ưu đãi thông qua các tổ chức hội, đoàn thể để tăng gia sản xuất; nhiều thương, bệnh binh, gia đình có công đã phát huy truyền thống cách mạng, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Bên cạnh các chính sách ưu đãi của Nhà nước, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thị xã đã tích cực ủng hộ quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, trong 5 năm (2011-2015) được hơn 2,5 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã có 82 căn nhà tình nghĩa, 30 sổ tiết kiệm, nhiều vật dụng gia đình và hàng nghìn suất quà được trao tặng cho các đối tượng chính sách, có công, giúp họ có cuộc sống ổn định hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ khẳng định: “Với tấm lòng tri ân sâu sắc, các hoạt động tình nghĩa, xã hội hóa công tác chăm sóc gia đình chính sách, người có công trên địa bàn thị xã ngày càng đi vào chiều sâu và được thực hiện thường xuyên với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa. Nhờ vậy, phần lớn đối tượng chính sách đã có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân tại địa bàn cư trú”. 

 Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.