Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình Câu lạc bộ "Gia đình nông dân văn hóa" ở Hòa Hiệp

09:14, 04/10/2016

Năm 2004, thôn Mới, xã Hòa Hiệp (huyện Cư Kuin) thành lập Câu lạc bộ (CLB) “Gia đình nông dân văn hóa” với vỏn vẹn 7 hội viên tham gia sinh hoạt. Đến nay, CLB đã có 24 hội viên và tổ chức được nhiều hoạt động rất hiệu quả.

Theo ông Đỗ Văn Kiện, Chủ nhiệm CLB cho biết, mỗi quý CLB tổ chức sinh hoạt một lần vào ngày 16 của tháng cuối quý. Trong các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm CLB tuyên truyền cho hội viên về pháp luật như: Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Pháp lệnh Dân số sửa đổi…; đồng thời, phối hợp với Hội Nông dân xã tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi. Ban Chủ nhiệm CLB còn tìm hiểu hoàn cảnh, khó khăn của hội viên trong cuộc sống hằng ngày để có cách hỗ trợ, giúp đỡ.

CLB đã vận động hội viên xây dựng quỹ tương trợ giúp đỡ theo hình thức mỗi hội viên đóng góp 1 triệu đồng/năm. Từ đầu năm 2016 đến nay, CLB đã vận động được 32 triệu đồng, qua đó đã giúp 3 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế… Việc làm này đã góp phần xóa đói giảm nghèo trong thôn. Trong năm 2015, CLB có 60% gia đình  hội viên có kinh tế khá, giàu và 8 hội viên đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi; 100% gia đình hội viên không vi phạm pháp luật, 100% gia đình hội viên đạt chuẩn văn hóa… góp phần đưa thôn Mới trở thành thôn văn hóa tiêu biểu.

Tham gia CLB, hội viên không chỉ được giao lưu, chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả trong phát triển kinh tế mà còn có cơ hội trao đổi những kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước, các quy ước, hương ước của địa phương. Nhiều mâu thuẫn trong gia đình hội viên được giải quyết ôn hòa và êm thấm, không còn xảy ra tình trạng bạo lực gia đình. 

Mỹ Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.