Nhớ bánh chưng của mẹ tết xưa
Mỗi khi xuân về tết đến, tôi lại bồi hồi nhớ những chiếc bánh chưng mẹ gói gạo nếp độn lẫn hạt lúa mì trong những năm tháng đất nước khó khăn, đói kém. Chiếc bánh ngày xưa không dẻo, không thơm nhưng cuộn gói trong đó là tình mẫu tử, là sự tảo tần của người mẹ gắng lo cho đàn con cái Tết tươm tất dù cuộc sống còn nhiều thiếu thốn...
Quê tôi - miền đất trồng cói nghèo nhất của tỉnh Thanh Hóa. Thời bao cấp, người dân lam lũ quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống chết nhờ cậy vào cây cói. Một năm có 365 ngày là ngần ấy thời gian chạy ăn, thiếu mặc. Dù làm quần quật cả năm nhưng mỗi khi năm hết tết đến, không phải nhà nào cũng có cái tết sum vầy đầy đủ ấm no. Nhà tôi thuộc dạng nghèo nhất xã. Tết đến, muốn cho các con được hưởng đầy đủ hương vị ngày xuân, mẹ tôi cũng gói bánh chưng, chỉ khác đó là bánh chưng độn hạt lúa mì. Dù những chiếc bánh chưng “đặc biệt” ấy không dẻo, không thơm nhưng đến mồng 3 Tết đã hết veo, vì “nhà đông con của không ngon cũng hết”.
Bàn thờ tổ tiên ngày ba mươi Tết. |
Từ ngày 20 tháng Chạp, mẹ tôi đã chủ động mua hành củ, rau cải bắp lá già muối dưa. Ngày ấy đói lắm, Tết đến, gạo không đủ ăn nên nhà nào cũng muối sẵn vại dưa lá cải bắp chống đói. Gạo còn không đủ ăn, nói gì đến gói giò, mua thịt. Những gia đình khá lắm cũng chỉ vài cây giò mỡ, còn giò nạc rất hiếm.Không ít nhà, chưa hết ba ngày tết đã phải ăn cháo trộn rau muống phơi khô, hoặc ăn khoai lang trừ bữa.
Quê tôi chẳng có lá dong, bánh chưng nhà ai cũng gói bằng khuôn lá dừa, lót lá chuối. Chừng 28 Tết, mẹ sai anh em chúng tôi đi chặt tàu chuối, rọc ra rồi hơ bếp lửa. Cả gia đình ngồi quây quần quanh cái mẹt rộng giữa sân gạch. Tay mẹ thoăn thoắt đong gạo nếp trộn sẵn hạt mì đổ vào lá chuối, vừa gói mẹ vừa kể truyền thuyết bánh chưng, bánh dày. Mẹ bảo, mẹ lấy bố hoàn cảnh nhà nghèo, nhiều tết chẳng có bánh chưng, chẳng có tiền mua cân thịt, vậy mà vẫn vui, vẫn hạnh phúc.
Đến 6 giờ chiều, nồi bánh chưng đã sẵn sàng bắc lên bếp. Mẹ nhóm lửa bằng bổi, nồi bánh sôi ùng ục. Chúng tôi ngồi quanh nồi bánh chưng chờ giao thừa. Mẹ bảo “Các con đi ngủ đi, bánh chín mẹ gọi dậy đón giao thừa”. Chúng tôi nằm lăn ra bếp ngủ. Chiếu là bổi, lấy bổi đắp lên người thay chăn. Mẹ vừa nấu bánh chưng, vừa hát ru chúng tôi ngủ. Chừng 11 giờ khuya, mẹ đánh thức chị em tôi dậy vớt bánh chưng, rồi giúp mẹ múc chè đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Sau khi cúng giao thừa, mẹ ngồi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam phát ra từ chiếc loa truyền thanh của xã. Khi nghe những bài thơ về lính đảo, hoặc những câu chuyện đêm giao thừa của lính Trường Sa, mẹ bảo: “Bộ đội khổ lắm. Các chú bây giờ đang gác ngoài đảo xa, họ chẳng được đón giao thừa như ở đất liền”. Lúc đó, tôi chưa hiểu gì về bộ đội, nhưng tôi cảm nhận được tấm lòng của mẹ dành cho chiến sĩ hải quân đảo xa khi xuân về tết đến.
Năm 1989, tôi lên đường tòng quân nhập ngũ. Mặc dù đất nước bước sang thời kỳ đổi mới được 3 năm, song với nghề trồng cói ở xứ Thanh như quê tôi còn đói khổ lắm. Bữa cơm sáng trước lúc tôi lên đường, mẹ luộc một nồi khoai và niêu cơm nhỏ. Mẹ xới cho tôi một bát cơm gạo trắng đầy, bảo: “Nay con được ưu tiên, cứ ăn no rồi đi, không phải ăn khoai đâu, đường xa đói lắm đó”. Cả nhà cười vui tiễn tôi lên đường bằng bữa cơm đặc biệt ấy. Vài năm sau đó, dù đất nước từng bước chuyển mình, quê tôi vẫn còn nghèo. Trên bước đường quân ngũ, có Tết tôi nhận được bánh chưng mẹ gửi từ quê. Vẫn chiếc bánh chưng lẫn hạt mì, chỉ khác có thêm vài hạt đậu làm nhân. Cầm chiếc bánh chưng trên tay, tôi trào nước mắt. Hình ảnh khuôn mặt mẹ già hiện dần trong tiềm thức. Dẫu miếng bánh chưng lạnh ngắt nhưng tôi vẫn cảm thấy ấm lòng.
Thời gian trôi, thoáng cái tôi đã xa quê hương 20 năm có lẻ. Tết về thăm quê, nhắc lại chuyện bánh chưng độn hạt mì ngày xưa, mẹ bảo: “Bây giờ chẳng ai ăn độn nữa đâu. Ngày đói khổ, nhà ai cũng vậy. Không có ngày xưa, sao có bây giờ”. Tết nay, những chiếc bánh chưng không khuôn vẫn vuông vức như ngày nào, chỉ khác ruột bánh không có hạt mì như ngày xưa nữa mà thay vào đó là những hạt nếp thơm trắng ngần. Đêm ba mươi tết, trời rét căm căm, chúng tôi lại được ngồi quây quần bên nồi bánh chưng, nghe mẹ kể chuyện ngày xưa đói khổ. Những câu chuyện ấy tôi đã từng nghe từ thời còn nhỏ, giờ nghe lại vẫn thấy xao lòng… Dẫu bánh chưng xuân này nhiều thịt, nhiều đậu thơm ngon nhưng chúng tôi vẫn nhớ bánh chưng mẹ nấu ngày xưa. Đó là những chiếc bánh chưng mang nặng tình yêu thương của một đời tần tảo, chất chứa bao nhọc nhằn vất vả thấm đẫm mồ hôi và nước mắt của mẹ tôi…
Mai Thắng
Ý kiến bạn đọc