Multimedia Đọc Báo in

Cơ cực đời... than

15:18, 28/05/2017

Nhiều hộ dân ở thôn 6 (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) đã gắn bó với nghề đốt than hàng chục năm nay. Để kiếm sống, họ phải làm việc quần quật ngày đêm dưới cái nóng hầm hập cùng với khói bụi độc hại...

Chúng tôi về nơi này vào giữa tháng 5, tiết trời nóng nực. Giữa cái nắng ấy, những lò than lộ thiên đen đúa vẫn đều đều nhả khói. Hàng trăm khúc gỗ đã đốt thành than nằm lăn lóc dưới nền đất chờ đưa vào bao để thương lái chở đi. Những người đàn ông, phụ nữ đang hì hục đóng than vào bao, chỗ khác đang dựng củi để đốt lò mới.

Gạt những giọt mồ hôi trên gò má nhem nhuốc bụi than, ông Phan Đình Phương (SN 1958) cho biết, gia đình ông từ tỉnh Bình Định lên đây lập nghiệp năm 1982. Do không có ruộng rẫy nên phải đốt than để kiếm sống. Vẫn biết nghề đốt than vất vả, độc hại nhưng vì mưu sinh hai vợ chồng ông vẫn phải làm. Để đốt 1 lò than, công việc đầu tiên là phải xếp củi ngay ngắn theo hình nón, sau đó phủ lên đống củi một lớp rơm, tiếp đó phủ thêm một lớp đất ướt rồi tiến hành đốt. Sau khoảng 7-10 ngày đốt, củi sẽ “chín” thành than.

Chị Trần Thị Bích Hằng đóng than vào bao để bán cho thương lái.
Chị Trần Thị Bích Hằng đóng than vào bao để bán cho thương lái.

Nghe quy trình đốt than có vẻ đơn giản, nhưng thực tế để đốt được một lò than đạt thành phẩm thì không dễ chút nào, phải có “bí kíp” mà người đốt than trải qua nhiều thất bại mới đúc rút được. Chỉ riêng việc đặt cửa lò để châm lửa, người đốt than phải tính hướng gió, nếu đặt cửa lò ở hướng thuận gió củi sẽ cháy nhanh khiến than ra vụn. Trong quá trình củi cháy, lò than thường xuyên bị sụp, nếu không kịp thời bịt kín lỗ hổng này, cả lò than sẽ bốc lửa cháy ngùn ngụt. Một khi củi cháy thành lửa lớn sẽ cho than rất ít. Với người đốt than lâu năm, họ chỉ cần nhìn vào độ cao của lò để biết than đã “chín” hết hay chưa. “Khi củi cháy thành than thì khối lượng sẽ giảm nên độ cao của lò cũng giảm theo. Dựa vào đó người đốt than cho ra lò đúng thời điểm”, ông Phương giải thích. 

Để ra được một mẻ than chất lượng, có lãi, những người đốt than như ông Phương không bao giờ có được một giấc ngủ đêm trọn vẹn. Họ phải thức canh, xem lò có bị sập để kịp thời khắc phục. Ban ngày thì phải thường xuyên quan sát để tưới nước lên mặt ngoài của lò, đảm bảo cho lớp đất phía bên ngoài luôn ẩm vì nếu quá khô đất sẽ sụp, lò than sẽ bị hư hỏng.

Gắn bó với nghề đốt than hơn 20 năm, ông Phương hiểu được mức độ ảnh hưởng của việc đốt than đối với sức khỏe. Chỗ đốt than nằm ngay bên cạnh nên căn nhà ông xây kín bịt bùng, không dám chừa ô thông gió để giảm bớt khói bụi bay vào nhà. “Làm nghề này cực lắm nhưng lời lãi chẳng đáng là bao. Một lò than sau khi trừ hết chi phí còn được khoảng 500 – 700 nghìn đồng. Một tháng đốt 7-8 lò, tính ra cũng chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống của gia đình ”, ông Phương tâm sự.

Kế bên nhà ông Phương, vợ chồng anh Từ Văn Tích (SN 1977) cũng đang loay hoay đóng than và canh 4 lò đang đốt dở. Anh Tích cho biết, hai vợ chồng bắt đầu đốt than từ năm 2003. Khi nào công việc nhiều làm không xuể anh chị mới thuê người, còn chủ yếu tự làm để “lấy công làm lãi”. Những hôm ra lò, hai vợ chồng phải dậy từ lúc 1 giờ sáng, làm quần quật đến chiều tối mới xong. Nghề đốt than không giúp vợ chồng anh Tích giàu lên nhưng cũng đủ nuôi con cái ăn học và xây được nhà cửa. “Vẫn biết đốt than vất vả và ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng vẫn phải bám lấy nó để kiếm tiền nuôi gia đình, chứ ruộng nương không có biết làm gì để mưu sinh”, chị Trần Thị Bích Hằng vợ anh Tích giãi bày.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.