Multimedia Đọc Báo in

Làm hồ sơ đi lao động tại Hoa Kỳ: Cẩn trọng kẻo "tiền mất tật mang"

09:03, 20/09/2017

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh có tình trạng người lao động  làm hồ sơ đi làm việc tại Hoa Kỳ để có cơ hội “đổi đời”. Tuy nhiên, nếu không tìm hiểu kỹ rất có thể người lao động sẽ bị lừa đảo, “tiền mất tật mang”.

Thông tin quá mập mờ

Là con thứ 2 trong gia đình có 6 anh chị em, học hết lớp 5, Y Wươn Mlô (SN 1995) ở buôn Knia 2, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn ở nhà phụ giúp bố mẹ làm nương rẫy. Tháng 7 vừa qua, gia đình chị H’Mriết Mlô – mẹ của Y Wươn được chị ruột là H’Pun Mlô đang định cư ở Hoa Kỳ thông báo qua điện thoại về việc một số doanh nghiệp tại nước này đang có nhu cầu tuyển lao động người Việt Nam. Thấy vậy Y Wươn và 6 người khác đều là họ hàng của chị H’Pun đã làm hộ chiếu, phiếu lý lịch tư pháp, sơ yếu lý lịch, chứng thực giấy khai sinh, chứng minh nhân dân… gửi qua Hoa Kỳ theo đường bưu điện. Điều đáng nói, khi được hỏi thông tin về công việc cụ thể, doanh nghiệp tiếp nhận lao động, nơi làm việc, mức lương… thì gia đình chị H’Mriết đều rất mù mờ. “Mình nghe chị H’Pun nói như vậy thì cho con làm hồ sơ thôi, chi phí hết khoảng 3 triệu đồng. Nếu được lo tiền mua vé máy bay và các chi phí khác thì gia đình mới cho Y Wươn đi làm rồi trả nợ dần chứ không thì đành chịu. Hiện giờ chưa biết thông tin cụ thể ra sao, gia đình cũng lo lắng nhưng vì đó là chị ruột nên cũng yên tâm”, chị H’Mriết cho hay. Được biết, gia đình chị H’Mriết đang thế chấp quyền sử dụng đất cho ngân hàng để vay 100 triệu đồng làm nhà và đầu tư sản xuất, nhưng mới chỉ trả được 30 triệu đồng.

Đại diện  Sở LĐTBXH, Ban tự quản buôn Knia 2 gặp gỡ,  nắm bắt  thông tin  về gia đình  có người  làm hồ sơ  đi lao động tại Hoa Kỳ.
Đại diện Sở LĐTBXH, Ban tự quản buôn Knia 2 gặp gỡ, nắm bắt thông tin về gia đình có người làm hồ sơ đi lao động tại Hoa Kỳ.

Tương tự, sau khi được chị họ của mẹ thông báo về việc làm hồ sơ đi làm việc ở Hoa Kỳ, em H’Nui Knul ở buôn Knia 2, xã Ea Bar cùng 7 người khác trong buôn cũng đã làm hồ sơ gửi đi. Khi được hỏi qua nước bạn sẽ làm việc gì, ở đâu, H’Nui chỉ biết lắc đầu. Chị H’Ye Knul – mẹ của H’Nui cho biết, gia đình đã có con gái đầu đi xuất khẩu lao động ở Malaysia, trung bình 3 tháng gửi về cho gia đình được 15 triệu đồng nên hy vọng nếu H’Nui được đi Hoa Kỳ làm việc thì số tiền gửi về giúp gia đình sẽ nhiều hơn, có thế mới mong thoát cảnh hộ nghèo (?)

Thận trọng kẻo bị lừa

Qua tìm hiểu được biết, chi bộ, Ban tự quản, đoàn thể của các buôn ở xã Ea Bar đã rà soát, tiếp cận nắm tình hình các hộ có người làm hồ sơ đi lao động ở Hoa Kỳ. Đáng lo ngại là tất cả các hộ đều không biết thông tin cụ thể về doanh nghiệp tiếp nhận, công việc, địa điểm làm việc, mức lương, chi phí xuất cảnh mà chỉ nghe nói rồi rủ nhau làm hồ sơ gửi đi.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, từ giữa tháng 7-2017 đến nay, toàn tỉnh có 63 trường hợp người dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở xã Ea Bar, Ea Wer, Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) làm hồ sơ gửi cho người thân đang định cư ở Hoa Kỳ để được bảo lãnh nhập cảnh. Riêng xã Ea Bar có 50 trường hợp ở 4 buôn Knia, trong đó, người ít tuổi nhất sinh năm 2000, nhiều tuổi nhất sinh năm 1974.

Trước tình trạng trên, UBND xã Ea Bar đã chỉ đạo các ngành chức năng và Ban tự quản các buôn rà soát, nắm tình hình, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân yên tâm lao động sản xuất tại địa phương;  phối hợp với các ngành chức năng của huyện, tỉnh tổ chức phát động quần chúng, lồng ghép tuyên truyền pháp luật, nhất là chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động. Đồng thời nhấn mạnh việc chính phủ Việt Nam chưa ký kết hợp tác về lao động với Hoa Kỳ mà mới chỉ ký kết với một số thị trường như Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Xê Út… Như vậy rõ ràng việc đưa người đi lao động ở Hoa Kỳ là bất hợp pháp và hậu quả sẽ khó lường. Bởi trên thực tế, nhiều người đi lao động bất hợp pháp phải sống chui lủi, tự tìm kiếm việc làm, ốm đau bệnh tật không được chăm sóc, bị bắt giữ, trục xuất về nước, để lại những món nợ khổng lồ cho người thân, gia đình, thậm chí mất cả tính mạng. 

Nhằm bảo đảm cho người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định, tránh tình trạng bị lừa đảo và đi xuất khẩu lao động theo các hình thức không chính thống, theo ông Lê Hạnh, Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, thời gian tới, Sở tăng cường phối hợp với các doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động tổ chức tuyên truyền các thị trường lao động mà Chính phủ Việt Nam có ký kết hiệp định hợp tác lao động, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài cũng như những nguy cơ, rủi ro mà người lao động gặp phải khi đi làm việc, cư trú bất hợp pháp; đặc biệt là thông tin về việc không có cá nhân, tổ chức nào được phép đưa người lao động đi làm việc tại Hoa Kỳ…

Thiết nghĩ, để ngăn chặn hành vi lừa đảo trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, bảo vệ quyền lợi của người dân rất cần sự phối hợp đồng bộ của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc rà soát, nắm tình hình cũng như tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm. Nhưng quan trọng nhất, bản thân người lao động cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin thị trường lao động trước khi làm hồ sơ đi xuất khẩu lao động.

Nguyễn Xuân - Bích Phương


Ý kiến bạn đọc