Multimedia Đọc Báo in

Những nhịp cầu vui ở buôn Cuê…

10:11, 05/09/2017
Với người dân buôn Cuê, xã Băng Adrênh (huyện Krông Ana) nỗi ám ảnh, lo lắng khi phải băng qua suối vào mùa mưa lũ trên cây cầu gỗ tạm bợ, chông chênh không còn nữa khi cây cầu mang dấu ấn thanh niên đã đến với họ.
 
Thực hiện Dự án Xây dựng cầu nông thôn từ nguồn vốn của Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn Đắk Lắk đã xây dựng 2 cây cầu bắc qua suối Xâm Mlơng ở buôn Cuê với tổng kinh phí hơn 776 triệu đồng. Sau gần 8 tháng thi công, 2 cây cầu đã được bàn giao vào cuối tháng 7 vừa qua, đều có chiều dài 6 m, rộng 3,5 m, tải trọng 2,5 tấn. Việc đưa vào sử dụng 2 cây cầu này có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động sản xuất của 220 hộ dân với hơn 1.000 nhân khẩu của buôn Cuê.
 
Ông Y Ben Byă – Trưởng buôn Cuê vui mừng chia sẻ: Ở bên kia cầu là đất sản xuất của người dân nơi đây với 35 ha diện tích lúa và 15 ha diện tích cà phê; ngoài ra, còn có hơn 300 ha diện tích cà phê của người dân huyện Cư Kuin. Trước đây, để đi qua suối người dân phải làm 2 cây cầu bằng gỗ tạm bợ. Vào mùa mưa, nước dâng cao ngập hết cầu, lại không có thanh chắn an toàn nên đi lại rất nguy hiểm. Mỗi khi đến mùa thu hoạch, người dân phải vác từng bao nông sản qua cầu. Và việc tiêu thụ cũng thường bị thương lái ép giá. Từ khi có cây cầu mới, người dân ai cũng phấn khởi, vui mừng, yên tâm đi lại. 
Một cây cầu mới xây ở buôn Cuê, xã Băng ADrênh (huyện Krông Ana).
Một cây cầu mới xây ở buôn Cuê, xã Băng ADrênh (huyện Krông Ana).
Xây cầu kiên cố là niềm mong mỏi của người dân nên khi có thông báo xây cầu, được chính quyền địa phương vận động hiến đất giải phóng mặt bằng, người dân đều tự nguyện thực hiện. “Gia đình tôi đã lấp ao, chặt hàng chục cây cà phê, hiến 200 m2 đất. Những nhà khác cũng hiến thêm 500 m2 đất để có đường dẫn lên cầu. Từ nay, mùa mưa đến chúng tôi đã không còn lo lắng khi đi qua rẫy làm việc nữa rồi”, Aê Buli hào hứng nói.
 
Anh Hoàng Phúc Bảo – Phó Trưởng Ban Thanh niên Nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn cho biết: 2 cầy cầu ở buôn Cuê, xã Băng Adrênh là 2 trong 13 cây cầu mới nhất được Tỉnh Đoàn thực hiện theo Dự án Xây dựng cầu nông thôn của Trung ương Đoàn với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Trong quá trình thi công, Tỉnh Đoàn đã phối với Đoàn xã, chính quyền địa phương mở rộng mặt bằng xây cầu. Người dân đồng lòng nên việc xây cầu rất thuận lợi. Sau khi cầu hoàn thành, Tỉnh Đoàn đã giao cho Huyện Đoàn, chỉ đạo cho Đoàn xã thực hiện các phần việc thanh niên trên mỗi điểm cầu, đó là giữ vệ sinh cầu sạch đẹp, chủ động tôn tạo, tu sửa giúp cây cầu luôn bền vững.
 
Đứng trên cây cầu mang dấu ấn thanh niên, chúng tôi không chỉ cảm nhận được niềm vui chung của người dân nơi đây, mà còn thấy được khát vọng, nỗ lực của tuổi trẻ Đắk Lắk trong việc chung tay giúp đỡ những người dân có được cuộc sống tốt đẹp hơn, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày càng phát triển.
Nằm trong Dự án Xây dựng cầu nông thôn, tính đến tháng 7-2017, Tỉnh Đoàn đã bàn giao, đưa vào sử dụng 8 cây cầu thuộc các xã: Quảng Tiến (huyện Cư M’gar), Hòa Thắng, Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột), Băng Adrênh (huyện Krông Ana), Cư Êwi (huyện Cư Kuin), Tân Hòa (huyện Buôn Đôn). Dự kiến đến tháng 11-2017, Dự án sẽ tiếp tục triển khai xây dựng 4 cây cầu còn lại ở các xã: Ea Bar (huyện Buôn Đôn), Ea Ô (huyện Ea Kar), Ea Hiao (huyện Ea H’leo).

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.