Multimedia Đọc Báo in

Làng hoa Khánh Xuân tất bật vào vụ tết

07:24, 28/11/2017

Gần 3 tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, người dân ở làng hoa ven đô thuộc phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột đang tất bật chăm sóc hoa với hy vọng lứa hoa tết thành công.

Theo cán bộ nông nghiệp phường Khánh Xuân, phong trào trồng hoa ở đây phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây, đem lại thu nhập khá cho nhiều hộ dân, đặc biệt là vụ hoa tết. Cúc pha lê là loại hoa được trồng nhiều nhất, tập trung chủ yếu tại khu vực đất thấp, mát mẻ thuộc các khối 7, 8, 9, 10, với khoảng 100 hộ trồng chuyên canh. Cúc pha lê được trồng nhiều là bởi giống cho hoa vàng tươi, lâu tàn, giá thấp, lại được thị trường chuộng hơn các loại cúc khác, nhất là trong dịp tết.

Vào thời điểm từ nửa cuối tháng 8 âm lịch, người trồng hoa Khánh Xuân bắt đầu xuống giống. Đến thời điểm này, hoa sinh trưởng, phát triển tốt và bước vào giai đoạn chăm sóc kỹ lưỡng nhất. Vườn hoa cúc hơn 1.000 chậu của ông Nguyễn Gia Thăng được gia đình ông xuống giống gần 2 tháng, cây cao chừng 40 cm, trong đó chừng 200 chậu cây mới cao bằng gang tay, nguyên nhân do cây chết phải trồng lại mới được một tháng. “Số này (trồng muộn) nên hoa nhỏ, cây thấp chắc chắn giá bán vào dịp tết sẽ không cao, trong khi chi phí trồng lại tốn 10 triệu đồng. Chỉ hy vọng số hoa trồng đúng vụ gặp thời tiết thuận lợi, ra hoa đúng tết bán được giá hơn”, ông Thăng cho hay. Ông Thăng còn phải thuê người đi chặt tre về chẻ để cột chống hoa, bởi năm trước, tre chẻ sẵn được bán nhiều, nhà vườn chỉ việc mua về cắm, nhưng năm nay thiếu hàng nên chủ vườn phải đi tìm tre. Nếu không buộc sớm, gặp gió hoa bị đổ hết.

Anh Nguyễn Văn Liêm chăm sóc vườn hoa cúc vụ tết.
Anh Nguyễn Văn Liêm chăm sóc vườn hoa cúc vụ tết.

 

“Nghề trồng hoa là để làm đẹp cho đời, nên trước hết phải có đam mê, ngày nào cũng phải có mặt ở vườn để theo dõi, chăm sóc thì mới có hoa đẹp”

 

 
Anh Nguyễn Văn Liêm, chủ vườn hoa Hải Liêm

Cạnh vườn của ông Thăng là vườn hoa cúc, vạn thọ của anh Nguyễn Đình Tuất với số lượng 4.300 chậu. Gia đình anh làm nghề trồng hoa 5 năm nay, riêng mỗi vụ tết thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Vào vụ hoa tết này, gia đình anh phải chuẩn bị đất từ trước 3 tháng, trộn thêm vôi, tro, trấu rồi ủ hoai mới cho vào chậu cấy giống, tùy kích cỡ chậu, có thể trồng từ 55 – 65 cây/chậu. Tuy nhiên, cái khó nhất là phải canh đúng thời điểm tắt đèn cho cây ra hoa vào khoảng hơn một tháng trước tết và sau tắt đèn 15 ngày thì cắt bỏ các nụ mọc dưới thấp. Bên cạnh đó, quá trình chăm sóc, bón phân cũng đòi hỏi kinh nghiệm riêng, bảo đảm lượng nước, phân bón vừa đủ cho hoa.

Thời điểm này, các vườn hoa ở đây đều đã xuống giống xong, thời tiết thuận lợi, tuy nhiên, nhà vườn vẫn không khỏi thấp thỏm với thời tiết. Anh Nguyễn Văn Liêm, chủ vườn hoa Hải Liêm, người có kinh nghiệm trồng hoa 20 năm cho biết, trồng hoa tuy không khó, nhưng chi phí đầu tư và công chăm sóc cao, nhất là phụ thuộc nhiều vào… ông trời, gặp mưa nhiều, khiến hoa bị chết hoặc nở không đúng thời điểm thì coi như mất trắng. Ngoài ra, các nhà vườn cũng không chủ động được thị trường, vì dịp tết, ngoài hoa trong tỉnh còn có sản phầm từ các địa phương khác đưa về nhiều. Do đó, người trồng hoa luôn mong muốn giá cả thị trường dịp tết thuận lợi để tiêu thụ được hoa với giá có lãi.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.