Multimedia Đọc Báo in

Người "mê đá" bên hồ Yang Reh

08:02, 03/01/2018

Bằng niềm đam mê với đá, đến nay chị Trần Thị Ái, thôn 2, xã Yang Reh (huyện Krông Bông) đã có gần 10 năm gắn bó và xây dựng được cơ sở chế tác đá của riêng mình.

Trước khi đến với nghề chế tác đá, chị Ái đã từng buôn bán hàng tạp hóa, mở quán ăn… Mãi đến năm 2009, có một cuộc gọi của một người lạ ở tỉnh Yên Bái hỏi chị về đá thạch anh. Như một cơ duyên, mặc dù chưa một lần cầm viên đá thạch anh trên tay, nhưng trong thời gian mở quán ăn, chị được nhìn thấy một số khách ngồi tại quán của gia đình đưa các sản phẩm được làm từ đá thạch anh ra để mua bán, thế là chị trả lời đầu dây bên kia có biết. Cũng chính từ cuộc gọi đó, giữa chị và người khách lạ đã trao đổi nhiều lần và bắt tay vào làm ăn chung.

Chị Trần Thị Ái bên các sản phẩm đá thạch anh đã qua chế tác.
Chị Trần Thị Ái bên các sản phẩm đá thạch anh đã qua chế tác.
Chị Trần Thị Ái cho hay, Krông Bông và Lắk là hai địa phương có lợi thế về đá thạch anh và một số loại đá quý khác như mã não, mắt mèo, gỗ hóa thạch… Do nguồn nguyên liệu này có sẵn tại địa phương nên giá cả cũng phải chăng – là cơ hội để các sản phẩm đá chế tác của cơ sở gia đình chị cũng như các cơ sở khác dễ dàng cạnh tranh trên thị trường.

Ban đầu, do chưa hề được học qua trường lớp, chị chỉ là người trung gian thu mua đá của những người dân tại địa phương rồi gửi xe ra Yên Bái. Sau đó, nhận thấy việc thu mua đá thô khá vất vả, tiền lãi chẳng được là bao nên chị có ý định phải đi học nghề chế tác đá. Vốn liếng không có, lúc mới bắt đầu, chị lân la đến các cơ sở chế tác đá tại TP. Buôn Ma Thuột để tìm hiểu về kỹ thuật chế tác, tiếp đó chị ra tận Hà Nội để học nghề sâu hơn và nắm vững kỹ thuật của nghề này. May mắn đến với chị là ở đây chị gặp được các nghệ nhân, thợ lành nghề đã chỉ dạy cho chị rất nhiệt tình để chị có được một nghề vững vàng như hôm nay. Qua thời gian học việc ở Hà Nội, chị Ái cũng tìm được nhiều bạn hàng mua các sản phẩm từ đá và giữ mối cho đến nay.

Sau gần 2 năm học hỏi kinh nghiệm tại các cơ sở chế tác đá trong và ngoài tỉnh, chị về Yang Reh mở cơ sở chế tác đá cho riêng mình. Thuận tiện ban đầu là nguồn nguyên liệu đá, đặc biệt đá thạch anh khá nhiều, giá mua tận gốc cũng mềm nên hầu hết sản phẩm chị làm ra đều có giá phải chăng, nhờ vậy đã thu hút đông đảo thương lái tìm đến mua. Sau một thời gian kinh doanh, khi đã có nhiều bạn hàng, chị bắt đầu thuê thợ làm thường xuyên để đáp ứng nhu cầu của khách. Chị cho biết thêm, trong các loại đá, cơ sở của chị chế tác nhiều nhất là đá thạch anh. Thạch anh có nhiều loại gồm thạch anh trắng, hồng, tím, đen, khói, ám khói, tóc, vàng… Trong đó, thạch anh tóc được nhiều bạn hàng lựa chọn, với nhiều loại như tóc đen, tóc đỏ, tóc vàng, tóc xanh.

Cứ thế, càng ngày chị càng đam mê với những màu sắc, hình thù của đá, đó cũng là động lực để chị rong ruổi khắp các buôn làng trong và ngoài huyện tìm thu mua đá. Từ dạng đá thô sơ ban đầu, qua bàn tay chị và những người thợ, đã hình thành những tác phẩm nghệ thuật có tính thẩm mỹ cao. Tùy theo từng đơn đặt hàng, các loại đá được chế tác theo hình dạng khác nhau, trong đó hình dạng được lựa chọn nhiều nhất là hình cầu, kim tự tháp, bi giác (12 mặt), lục giác (6 mặt) và tượng các loài vật.

Anh Nguyễn Nhất Nam (chồng chị Ái) hoàn thiện sản phẩm đá chế tác.
Anh Nguyễn Nhất Nam (chồng chị Ái) hoàn thiện sản phẩm đá chế tác.

Để cơ sở chế tác của gia đình là địa chỉ tin cậy của mọi khách hàng, ngoài chị, chồng chị cũng học hỏi kinh nghiệm chế tác từ vợ và một số cơ sở khác; 7 năm kinh nghiệm trong nghề, giờ anh đã và có thể chỉ dạy cho người khác khi có nhu cầu.

Không những tự tìm cho mình hướng đi mới, với nguồn thu nhập ổn định, cơ sở chế tác đá của gia đình chị Ái còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hai lao động, với mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng, vào thời điểm nhu cầu hàng nhiều, mức thu nhập cũng cao hơn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.