Multimedia Đọc Báo in

Xã Cư M'gar (huyện Cư M'gar) thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo

09:26, 02/02/2018

Xã Cư M’gar (huyện Cư M’gar) là xã thuần nông, có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khá lớn (trên 2.850 ha, chiếm 91,66% diện tích đất tự nhiên trên địa bàn xã). Người dân chủ yếu trồng các cây công nghiệp lâu năm như cà phê, hồ tiêu, cao su...

Trước đây, đời sống của người dân xã Cư M’gar rất khó khăn do bà con chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chưa xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thiếu vốn đầu tư sản xuất...

Trước tình hình đó, chính quyền xã Cư M’gar đã tập trung thực hiện các giải pháp, trong đó, chú trọng tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, vận động người dân xây dựng các mô hình đa cây trồng vật nuôi, giúp bà con tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ về các loại cây con giống, kiên cố kênh mương thủy lợi để bảo đảm lượng nước tưới cho các loại cây trồng… Trong năm 2017, xã Cư M’gar đã huy động nhiều nguồn lực hỗ trợ các hộ nghèo phát triển kinh tế, như: duy trì nguồn vốn vay tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thông qua các tổ chức đoàn thể với dư nợ đạt trên 17 tỷ đồng; vận động các công ty, doanh nghiệp trao tặng 47 con bò cái sinh sản cho hộ nghèo chăn nuôi; vận động và hỗ trợ xây dựng được 5 nhà ở cho hộ khó khăn; xây dựng 4 mô hình phát triển kinh tế, cải tạo vườn tạp cho 4 hộ nghèo của xã; phối hợp xây dựng các mô hình phát triển kinh tế cho hiệu quả cao như: trồng lúa lai, khoai lang ruột vàng Nhật Bản…

Đàn bò của gia đình ông Ama H'Nhom (giữa).
Đàn bò của gia đình ông Ama H'Nhom (giữa).

Nhờ các giải pháp nói trên, nhiều gia đình đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Như trường hợp gia đình Ama H’Nhom (buôn Húk A) trước đây là hộ nghèo của xã; cả nhà 7 nhân khẩu chỉ trông vào thu nhập từ 1 sào ruộng nước và tiền công làm thuê, làm mướn. Năm 2010, Ama H’Nhom được hỗ trợ một con bò giống sinh sản để nuôi, lại được cán bộ thú y của xã hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh cho bò. Nhờ chịu khó chăm sóc, đàn bò của Ama H’Nhom hiện đã tăng lên 7 con bò. Từ lúc nuôi bò đến nay, ông đã xuất bán 2 con bò và có thêm nguồn thu từ việc bán phân bò. Đến nay, gia đình Ama H’Nhom đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định, có vốn tích lũy sản xuất.

Còn gia đình ông Hồ Văn Định (thôn 4), nhờ biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi nên hiện nay đã xây dựng được mô hình kinh tế đa cây, đa con với thu nhập bình quân mỗi năm trên 500 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Trên diện tích 3 ha đất, ông Định vừa trồng hồ tiêu xen cà phê giống mới, đào ao nuôi cá, chăn nuôi bò, gà, vịt. Mỗi năm, ông Định thu hoạch khoảng 12 tấn cà phê, 3 tấn tiêu hạt, 3 tạ cá. Ông nuôi bò chủ yếu để lấy phân chuồng bón cho các loại cây trồng giúp tiết kiệm chi phí sản xuất và nuôi gà, vịt để phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Gia đình ông Định còn tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương, nhất là vào vụ mùa thu hoạch cà phê, hồ tiêu.

Ông Nguyễn Quang Giáp, Phó Chủ tịch UBND xã Cư M’gar cho biết, cuộc sống của nhân dân trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện. Hiện tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trên địa bàn xã giảm còn 119 hộ, chiếm 6,1%. Mức thu nhập bình quân đầu người đạt 25,4 triệu đồng/năm. Đến cuối năm 2017, xã Cư M’gar đã đạt chuẩn tiêu chí về hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số tiêu chí của xã đạt được lên 14/19 tiêu chí. 

H’Xiu Êban


Ý kiến bạn đọc