Bạo hành trẻ em: Nỗi đau không chỉ ở thân thể
Do cuộc sống hôn nhân có những mâu thuẫn, bất đồng không thể giải quyết nên vợ chồng bà Nguyễn Thị Tuyết Nga và ông Nguyễn Tấn Phương (ở thôn 6, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) đã ly dị. Sau khi ly hôn, bà Nga được quyền nuôi cháu N.K.V (SN 2007), còn ông Nguyễn Tấn Phương được quyền nuôi dưỡng cháu N.T.D (SN 2004).
Từ khi ly hôn đến nay, ông Phương đã nhiều lần có các hành vi đánh đập cháu N.K.V và N.T.D Mặc dù đã được chính quyền địa phương và hàng xóm can ngăn nhưng ông Phương vẫn không thay đổi. Vào đầu tháng 3-2018, trong lúc nóng giận ông Phương đã dùng gậy đánh cháu N.T.D gãy tay. Theo kết quả chụp phim X-quang, bác sĩ kết luận cháu N.T.D bị gãy 1/3 xương dưới trụ tay trái...
Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga đang trình báo về hành vi bạo hành cháu N.T.D. |
Mới đây nhất, ngày 10-4 đã xảy ra vụ việc cháu H.B.N học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Du (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) bị giáo viên nhéo tai, dùng tay đánh vào mặt khiến cháu bị chảy máu mũi. Theo chẩn đoán của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Buôn Đôn, cháu N. bị chấn thương mũi do bị đánh và yêu cầu nhập viện theo dõi. Hiện lực lượng chức năng đang tiến hành xác minh, điều tra làm rõ vụ việc...
Đó chỉ là hai trong số những vụ bạo hành trẻ em có đơn kêu cứu và được chính quyền địa phương, lực lượng chức năng can thiệp, giải quyết kịp thời. Trên thực tế, còn nhiều vụ bạo hành trẻ em vẫn đang diễn ra âm thầm, không chỉ bị bạo hành trong chính gia đình mình, các em còn có nguy cơ trở thành nạn nhân của các vụ bạo lực xảy ra tại trường học hay ngoài xã hội. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trung bình mỗi năm có 3.000 - 4.000 vụ bạo lực trẻ em, trong đó phát hiện khoảng 100 trẻ bị giết hại và 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Tại Đắk Lắk, năm 2017 xảy ra 61 vụ xâm hại trẻ em; trong đó có 1 vụ giết trẻ em, 10 vụ cố ý gây thương tích, 45 vụ xâm hại tình dục, 1 vụ mua bán trẻ em và các hành vi khác là 4 vụ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là phần nổi bởi còn nhiều vụ việc chưa bị phát giác, trình báo.
Có thể nói, mỗi trẻ em bị bạo hành đều để lại những “di chứng” khó lành, không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn cả tương lai của trẻ. Bởi vết thương thể xác có thể chữa khỏi nhưng những ảnh hưởng về mặt tâm lý, tình cảm sẽ theo các em suốt cuộc đời. Các nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng, trẻ em có tuổi thơ sống trong hoàn cảnh bạo lực hoặc là nạn nhân của bạo lực thì sẽ có hành vi bạo lực cao hơn nhiều so với những trẻ bình thường. Hầu hết những trẻ em từng bị bạo hành đều có tâm lý mặc cảm, tự ti hoặc nảy sinh thái độ thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành, nhiều em trong số đó dễ có ứng xử tương tự đối với người khác.
Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ. |
Lý giải nguyên nhân của tình trạng bạo hành trẻ em, đại diện Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng bạo hành trẻ em là do nhận thức của gia đình, cộng đồng về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đầy đủ, nếu không muốn nói là phần nào đó còn bị xem nhẹ; việc ngược đãi, xâm hại, bạo lực, bóc lột trẻ em chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và trình báo với các cơ quan chức năng để kịp thời can thiệp, xử lý, thường chỉ khi sự việc gây hậu quả nghiêm trọng mới bị tố giác. Ngoài ra, kiến thức, kỹ năng bảo vệ, giáo dục trẻ em của cha mẹ hay người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa được trau dồi đầy đủ cho nên năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng, các em còn hạn chế. Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân khác như: các chế tài xử lý bạo hành trẻ em chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe người có hành vi bạo lực; môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến bạo hành trẻ em…
Để hạn chế tình trạng bạo hành trẻ em cần có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; đẩy manh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc giám sát, phòng ngừa hiệu quả các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đặc biệt, tăng cường hoạt động của các mô hình tại cộng đồng, nhất là hoạt động tham vấn, tư vấn; hỗ trợ, can thiệp khẩn cấp đối với trẻ em bị xâm hại, lạm dụng, bạo lực, ngược đãi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nhằm giúp các em được hưởng các quyền cơ bản...
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc