Multimedia Đọc Báo in

"Nuôi heo đất" giúp phụ nữ nghèo phát triển kinh tế

09:04, 16/04/2018

Trong thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar) đã triển khai hiệu quả phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm”, qua đó giúp nhiều phụ nữ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Chị H’Yuôr Kđoh, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông cho biết, đến nay phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm” đã được triển khai tại 16/16 chi hội với 19 con heo đất. Năm 2017, Hội LHPN xã đập heo đất, thu được hơn 12 triệu đồng giúp 37 chị em có hoàn cảnh khó khăn và 2 trẻ khuyết tật vay không tính lãi trong thời gian 3 năm để phát triển kinh tế. Cùng với việc vận động chị em nuôi heo đất tiết kiệm, Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông còn phát động phong trào xây dựng “Ống tiền tiết kiệm” và “Hũ gạo tiết kiệm”; năm 2017 đã thu được hơn 32 triệu đồng, 568 kg gạo cho 7 chị vay không tính lãi, giúp đỡ 22 gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn xây dựng nguồn vốn giúp nhau phát triển kinh tế - xóa đói giảm nghèo được trên 1,1 tỷ đồng, tạo điều kiện cho 119 chị vay với lãi suất thấp. Ngoài ra, Hội còn tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 164 chị em phụ nữ nghèo và cận nghèo vay trên 2,4 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình...

Chị Nguyễn Thị Huyền (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng chanh dây của gia đình.
Chị Nguyễn Thị Huyền (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng chanh dây của gia đình.

Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ thiết thực nói trên, nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo. Như gia đình chị Nguyễn Thị Huyền (thôn 4) trước đây có hoàn cảnh hết sức khó khăn, đất ít, không có vốn nên hằng ngày vợ chồng chị phải đi làm thuê và thu mua phế liệu để trang trải cuộc sống. Năm 2015, Chi hội phụ nữ thôn 4 đã cho gia đình chị Huyền vay 2,4 triệu đồng không tính lãi trong thời gian 3 năm từ số tiền tiết kiệm nuôi heo đất của chi hội. Ngoài ra, để giúp chị Huyền sử dụng đồng vốn có hiệu quả, Chi hội đã tư vấn gia đình chị phá bỏ 1 sào đất trồng cà phê già cỗi, kém năng suất sang trồng cây chanh dây. Nhờ chăm chỉ lao động sản xuất, chịu khó học hỏi kinh nghiệm của các hộ trồng chanh dây khác và trên phương tiện thông tin đại chúng, vườn chanh dây của gia đình chị Huyền phát triển tốt, cho năng suất ổn định. Năm 2017 cây chanh dây được mùa, được giá, từ 100 gốc chanh dây, gia đình chị Huyền đã thu về 30 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Chị Huyền tâm sự: “Nhờ nguồn vốn nuôi heo đất của Chi hội phụ nữ thôn 4, gia đình tôi có thêm động lực để vươn lên phát triển kinh tế. Giờ đây cuộc sống đã ổn định hơn trước. Tôi và các chị em trong thôn đều tích cực tham gia phong trào nuôi heo đất của Chi hội và mong muốn nguồn vốn sẽ đến với nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn khác”.

Năm 2016, gia đình chị Nguyễn Thị Bường (cũng ở thôn 4) chính thức thoát nghèo trong niềm vui của gia đình, bà con trong thôn. Để giúp gia đình chị Bường thoát nghèo thật sự bền vững, Chi hội phụ nữ thôn 4 đã tạo điều kiện cho chị vay 30 triệu đồng từ nguồn quỹ tiết kiệm của Chi hội với lãi suất thấp. Ngoài ra, Chi hội còn cho gia đình chị vay 5,4 triệu đồng không tính lãi trong thời gian 3 năm. Có vốn, chị Bường đã đầu tư chăn nuôi heo, gà, nấu rượu, làm rau xanh và chăm sóc cây trồng nên cuộc sống khá hơn trước rất nhiều.

Có thể nói, phong trào “Nuôi heo đất tiết kiệm” ở Hội LHPN xã Cư Dliê Mnông không chỉ giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn có thêm cơ hội để nâng cao cuộc sống gia đình mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong hội viên, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh toàn diện.

Công Phong


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.