TP. Buôn Ma Thuột: Xã hội hóa xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em
Nhằm tạo điều kiện tốt nhất để mọi trẻ em đều được bảo vệ, chăm sóc, vui chơi giải trí và phát triển trong môi trường thuận lợi, an toàn, thời gian qua, các ngành, địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã đẩy mạnh, chú trọng việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em.
Bắt đầu triển khai mô hình xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em từ đầu năm 2015, đến nay TP. Buôn Ma Thuột đã có 21/21 xã, phường được công nhận đạt tiêu chuẩn xã, phường phù hợp với trẻ em. Theo quy định, mỗi xã, phường để được công nhận phù hợp với trẻ em phải đảm bảo đạt 15 tiêu chí về tỷ lệ trẻ em được khai sinh đúng quy định; tỷ suất trẻ em bị xâm hại, mua bán, bạo lực, bắt cóc, hay có các vấn đề xã hội (ma túy, vi phạm pháp luật); tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích, lao động trong môi trường nặng nhọc; tỷ suất trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, được đến trường, vui chơi giải trí…
Với sự vào cuộc quyết liệt, chung tay của cả cộng đồng, hiện nay tất cả, các xã, phường trên địa bàn thành phố đều có điểm vui chơi dành cho trẻ em; 100% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, trẻ bị bỏ rơi được hưởng chế độ trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Nhà nước đạt 100%... Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai công tác phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em đến 21/21 xã, phường, chỉ đạo các xã, phường tổ chức cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm ao, hồ; tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, giáo dục trẻ em không làm trái pháp luật, nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”…
Nhà Văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh trang bị kỹ năng sống chuyên đề "Chống xâm hại tình dục trẻ em" cho trẻ tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. |
Có thể nói, việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã thực sự được xã hội hóa, thu hút sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể và cả cộng đồng. Đó là sự đóng góp của đoàn viên, thanh niên Thành Đoàn Buôn Ma Thuột trong việc xây dựng sân chơi, thiết bị vui chơi cho thiếu nhi. Đơn cử như điểm vui chơi ở buôn Đung, xã Cư Êbur, chỉ với khoảng sân rộng 160 m2, được lắp thêm vài chiếc xích đu, bập bênh, trụ đèn chiếu sáng (tổng trị giá 50 triệu đồng) là đã tạo không gian sạch đẹp, an toàn cho các em thiếu nhi địa phương có nơi vui chơi, sinh hoạt tập thể lành mạnh, bổ ích, nhất là trong dịp hè.
Hay như trước thực trạng các vụ quấy rối, xâm hại tình dục trẻ em xảy ra gần đây, để giáo dục, trang bị kỹ năng phòng vệ cho trẻ em trong từng trường hợp và bất cứ tình huống nào, Nhà Văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh đã tổ chức chuyên đề kỹ năng sống “Nói không với xâm hại tình dục trẻ em” tại một số trường học trên địa bàn thành phố…
Ông Đặng Văn Trung, Phó trưởng Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố cho biết: “Ngoài những hoạt động như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với trẻ em, thực hiện chế độ trợ cấp hằng tháng cho trẻ mồ côi không người nuôi dưỡng, trẻ bị bỏ rơi, hay tặng quà, tổ chức vui chơi cho các em nhân dịp lễ, Tết… thì các cấp, ngành cũng đã kịp thời hỗ trợ đột xuất cho những em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt”. Đơn cử như trường hợp một em học sinh lớp 7 ở phường Thành Nhất bị xâm hại tình dục, chính quyền địa phương đã quan tâm thăm hỏi, khéo léo động viên và tư vấn tâm lý để em vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống. Hay như đối với trường hợp 3 trẻ em ở phường Khánh Xuân bị đuối nước, ngoài việc hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội còn vận động hỗ trợ thêm cho gia đình các em đang gặp khó khăn.
Trường THCS Phạm Hồng Thái (TP. Buôn Ma Thuột) trang bị kỹ năng phòng vệ cho học sinh. |
Có thể nói, việc xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em được các phường, xã trên địa bàn thành phố tăng cường tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, đoàn thể xã hội và nhân dân cùng thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận chung. Qua đó, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm chăm sóc; thu hẹp khoảng cách giữa trẻ em bình thường với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên hết tạo môi trường sống an toàn, thân thiện để mọi trẻ có điều kiện phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.
Theo số liệu thống kê, TP. Buôn Ma Thuột hiện có 709 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi, khuyết tật; 1 trẻ nhiễm HIV/AIDS, vi phạm pháp luật, không nơi nương tựa, mắc bệnh hiểm nghèo... Ngoài ra, còn có 1.368 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc