Multimedia Đọc Báo in

Gương sáng những cựu tù yêu nước

08:32, 19/05/2018

Trở về quê hương sau chiến tranh, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn thường nhật, nhưng với nghị lực vượt khó, những hội viên Hội Cựu tù yêu nước huyện Cư M’gar đã nỗ lực phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng…

Ở tổ dân phố 4, thị trấn Quảng Phú hầu như ai cũng biết đến tấm gương vượt khó làm giàu của người cựu tù Đỗ Đức Minh (69 tuổi). Tháng 7-1968, ông Minh tham gia cách mạng và chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam bộ, thuộc phiên chế Tiểu đoàn 2, Sư đoàn 5. Tháng 10-1972, sau trận đánh ở Đồng Tháp Mười, ông bị địch bắt và đưa ra đảo Phú Quốc biệt giam. Bằng ý chí sắt đá, người tù yêu nước ấy đã giữ trọn khí tiết để về với cách mạng sau ngày ký kết Hiệp định Pari năm 1973.

Ông Đỗ Đức Minh chăm sóc cây cảnh trước nhà.
Ông Đỗ Đức Minh chăm sóc cây cảnh trước nhà.

Sau chiến tranh, trở về cuộc sống đời thường, không khuất phục trước nghèo khó, ông Minh tập trung chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trọt. Sau nhiều năm tích lũy, ông Minh mua 3 ha đất trồng cà phê và tiêu. Nhờ chịu khó đầu tư chăm sóc cây trồng, mỗi năm gia đình ông có thu nhập ổn định gần 500 triệu đồng. Ông Minh chia sẻ: “Với tôi, còn sức là còn chiến đấu, dù là trên mặt trận nào tôi cũng muốn cống hiến hết sức mình cho gia đình, cho quê hương”.  

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Minh còn nhiệt tình tham gia hoạt động xã hội, giữ chức Phó Chủ tịch Hội Cựu tù yêu nước huyện Cư M’gar từ năm 2009 đến nay. Nhiều năm liền ông được UBND tỉnh và UBND huyện tặng Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động của Hội, được đồng đội, đồng chí yêu mến.

Còn người cựu tù Lê Hồng Sơn (ở tổ dân phố 1, thị trấn Quảng Phú) cũng từng trải qua những tháng ngày bị giam cầm khổ ải trong nhà tù được ví như “địa ngục trần gian”. Ngày 1-1-1968, chàng trai trẻ Lê Hồng Sơn rời quê hương Duy Xuyên (Quảng Nam) để tham gia cách mạng, trở thành chiến sĩ huyện đội H5. Tháng 1-1969, ông Sơn bị địch bắt và phải trải qua nhiều nhà lao ở đất liền trước khi bị đày ra Côn Đảo vào tháng 1-1970.

Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Lê Hồng Sơn vẫn hăng hái  lao động sản xuất.
Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Lê Hồng Sơn vẫn hăng hái lao động sản xuất.

Khi đất nước thống nhất, dù sức khỏe giảm sút với tỷ lệ thương tật 29%, ông Sơn vẫn nỗ lực vượt khó, quyết tâm xây dựng cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông bắt tay trồng từ cây sắn, củ khoai, sau đó dần dần mở rộng diện tích đất sản xuất với 2,5 ha cà phê. Đến nay, sau khi trừ hết chi phí đầu tư, gia đình ông có thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm. Đời sống gia đình ngày càng khấm khá, vợ chồng có điều kiện nuôi dưỡng các con ăn học thành tài. Giờ ở tuổi “xưa nay hiếm”, ông Sơn vẫn lấy lao động làm niềm vui.

Vượt qua những cơn đau do di chứng những đòn tra tấn dã man của kẻ địch, những người cựu tù như ông Minh, ông Sơn vẫn không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành những tấm gương sáng về nghị lực vượt khó cho các thế hệ con cháu học tập, noi theo .

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc