Multimedia Đọc Báo in

Ghi nhận từ hội thi "Hòa giải viên giỏi huyện Cư M'gar" năm 2018

09:17, 08/10/2018

Hội thi “Hòa giải viên giỏi huyện Cư M’gar” năm 2018 đã khép lại nhưng đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.

Hội thi lần này thu hút 17 đội với gần 200 thí sinh đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn, tham gia thi ở các nội dung: chào hỏi; trả lời câu hỏi trắc nghiệm - tự luận; xử lý tình huống và tiểu phẩm.

Có đến xem, thưởng thức mới thấy hết được sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng cho hội thi của các đội tham gia. Từ việc nắm vững kiến thức cơ bản đối với công tác của một hòa giải viên ở cơ sở, đến việc đầu tư công phu cho các tiểu phẩm một cách sinh động, hấp dẫn thể hiện rõ nét đặc thù dân cư, tập quán ở từng địa bàn.

Đội thi  xã Ea Tul tham gia phần thi  xử lý  tình huống.
Đội thi xã Ea Tul tham gia phần thi xử lý tình huống.

Với phần thi kiến thức, các thí sinh đã thuyết phục Ban giám khảo cũng như người xem bởi sự am hiểu về kiến thức pháp luật thông qua việc trả lời đúng, trúng các câu hỏi trắc nghiệm và tự luận trên cơ sở pháp lý liên quan đến các luật như: Luật Hòa giải cơ sở, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, tố cáo… Đó là các tình huống phát sinh mâu thuẫn trong tranh chấp ở các lĩnh vực dân sự, đất đai, môi trường, hôn nhân và gia đình… không khó bắt gặp trong cuộc sống thường nhật.

Ông Y Wem H’Wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết, hội thi lần này có đến 171/189 thôn, buôn tổ dân phố có thí sinh, diễn viên tham gia hội thi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong , bồi dưỡng kiến thức cho các hòa giải viên, từ đó nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, góp phần thúc đẩy, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, phổ biến các kiến thức của luật pháp đến với mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Sự khéo léo, linh động của người làm công tác hòa giải tại cơ sở còn thể hiện rõ nét thông qua việc xử lý các tình huống do Ban tổ chức đặt ra. Với kinh nghiệm hiện có và nắm vững kiến thức pháp luật, các thí sinh đến từ xã Quảng Hiệp, Ea Tar, Quảng Tiến… đã mềm dẻo giải quyết xuất sắc các tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh ở cơ sở, thật sự thuyết phục người trong cuộc bằng sự kết hợp hài hòa giữa cái lý và cái tình.

Ở Hội thi, tiểu phẩm là phần thi được nhiều người mong đợi nhất. Mỗi đội thi đã xây dựng kịch bản là nội dung rất chân thật, đời thường, nhưng mang đến không ít bất ngờ cho người xem. Từ những xích mích vụn vặt nhưng khiến hàng xóm trở nên to tiếng, từ những mâu thuẫn khởi nguồn chỉ là con gà, chén rượu song đã hóa thành tranh chấp… đã được các đội thi sân khấu hóa một cách sinh động.  Để rồi thông qua đó, người hòa giải viên xuất hiện, dù đóng vai một “quan tòa” nhưng lại rất gần gũi, thân tình. Bằng lập luận chặt chẽ, khúc chiết họ nhẹ nhàng khuyên nhủ, lý giải và xoa dịu các mâu thuẫn, giải quyết êm thấm vấn đề vướng mắc. Mỗi đội tham gia là một câu chuyện mang màu sắc riêng, tạo nên nhiều cảm xúc cho người xem. Tiểu phẩm “Chuyện nhà ông Tòng” của xã Ea H’đing, “Không cưới nhau được” (xã Cuôr Đăng), “Chuyện nhà chuyện thôn” (xã Cư Dliê Mnông)… là những câu chuyện về nạn bạo lực gia đình, tảo hôn, chuyện hàng xóm xích mích nhau vì mất con gà, quả trứng, vì chén rượu… song đã được cán bộ hòa giải kịp thời phân minh phải - trái, đúng - sai rạch ròi và trọn vẹn nghĩa tình.

Phần thi tiểu phẩm của đội thi xã Ea H’đing.
Phần thi tiểu phẩm của đội thi xã Ea H’đing.

Ông Nguyễn Đức Hải, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M’gar, thành viên Ban giám khảo cuộc thi nhận xét, nét nổi bật của Hội thi lần này là hầu hết các đơn vị về tham dự đều có sự chuẩn bị chu đáo, nắm vững kiến thức pháp luật và có nhiều sáng tạo trong thể hiện các phần thi. Đáng nói hơn là cuộc sống đời thường đã được các đội đưa lên sân khấu, phản ánh với nhiều góc độ rồi cuối cùng giải quyết một cách thấu tình đạt lý, dung dị nhưng có sức thuyết phục cao.

Hội thi đã để lại nhiều cảm xúc và là dịp để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong việc hóa giải mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ phát sinh trong cộng đồng dân cư trên cơ sở pháp lý và nghĩa tình.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc