Multimedia Đọc Báo in

Khởi nghiệp bằng dịch vụ… đi chợ thuê

17:42, 19/10/2018

Khát khao khởi nghiệp ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường, Hà Thị Út và Vũ Thị Trang (học cùng lớp Kinh tế nông nghiệp K15, Khoa Kinh tế, Trường Đại học Tây Nguyên) đã nảy ra ý tưởng kinh doanh dịch vụ… đi chợ thuê.

Hà Thị Út chia sẻ, ý tưởng "đi chợ thuê" có từ năm hai đại học và nhóm của Út (gồm 2 nam, 2 nữ) đã lên kế hoạch thực hiện. Thế nhưng, do thiếu kinh nghiệm, vướng lịch học tập nên nhóm chỉ hoạt động được một thời gian thì tạm nghỉ. Đến tháng 6-2018, dịch vụ đi chợ thuê chính thức khởi động lại, lúc này nhóm chỉ còn 2 thành viên nữ là Trang và Út.

Rút kinh nghiệm từ thất bại trước, lần trở lại này, nhóm đã có sự thay đổi, chuẩn bị bài bản: Trang Facebook “đi chợ thuê Bmt” cập nhật nhiều hình ảnh món ăn, cách chế biến món ngon, những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe… để thu hút, tạo sự tương tác với khách hàng; nhóm chủ động tìm kiếm khách hàng bằng cách phát tờ rơi và tận dụng công cụ hỗ trợ Facebook, Zalo… Những thay đổi này dần mang lại hiệu quả, nhiều khách hàng đã biết đến dịch vụ đi chợ thuê của nhóm cùng những tiện ích của nó mang lại. Chỉ cần một cú điện thoại hay tin nhắn yêu cầu những loại thực phẩm, số lượng… trong khoảng thời gian ngắn, dịch vụ đi chợ thuê sẽ giao tận tay khách hàng. Khách chỉ cần nhận hàng, kiểm tra thực phẩm trước khi thanh toán tiền. Dịch vụ này khá tiện lợi, phù hợp với những người bận rộn, nhưng lại muốn tự tay thiết kế bữa ăn cho gia đình.

Nữ sinh  Hà Thị Út chọn  thực phẩm theo đơn  đặt hàng.
Nữ sinh Hà Thị Út chọn thực phẩm theo đơn đặt hàng.

Trung bình mỗi ngày, nhóm nhận được 3-5 đơn đặt hàng, phần lớn khách hàng yêu cầu mua thực phẩm tại các chợ truyền thống. Đây là thử thách thật sự, quyết định đến sự thành – bại của dịch vụ đi chợ thuê. Hai bạn tiếp tục “căng não” giải bài toán tìm kiếm nguồn thực phẩm tươi ngon, an toàn, giá cả phù hợp để chiều lòng khách hàng. Út cho biết, qua nhiều đợt khảo sát thị trường, nhóm đã chọn được một số địa điểm bán thực phẩm tươi sạch, an toàn. Nhóm cũng đang liên hệ một vài trang trại rau hữu cơ để tìm nguồn hàng chất lượng, ổn định, khi khách cần sẽ truy được nguồn gốc xuất xứ. Đầu tư nhiều thời gian, tâm sức song mức giá dịch vụ đi chợ thuê lại cực kỳ “mềm”.

Trong phạm vi nội thành Buôn Ma Thuột, một đơn hàng dưới 50 nghìn đồng, khách hàng chỉ phải trả 10 nghìn đồng cho cả tiền công lẫn phí ship; đơn hàng từ 50 đến dưới 100 nghìn đồng có phí 15 nghìn đồng và đơn hàng trên 100 nghìn đồng, chỉ mất 18 nghìn đồng tiền phí. Khách hàng nào muốn sơ chế, nhóm cũng sẵn lòng làm giúp mà không lấy thêm tiền. Thông thường, nhóm sẽ chốt đơn đặt hàng trước 23 giờ mỗi ngày, nhưng với khách hàng quen, nếu đặt gấp trước 2 tiếng đồng hồ, nhóm vẫn cố gắng thực hiện. Ngoài ra với những khách bận không lên được thực đơn bữa ăn, nhóm cũng xây dựng giúp dựa theo sở thích ăn uống từng khách hàng.

Nhóm “đi chợ thuê Bmt”  sơ chế thực phẩm cho khách hàng.
Nhóm “đi chợ thuê Bmt” sơ chế thực phẩm cho khách hàng.

Nhờ nhiệt tình, đặt uy tín, chất lượng lên trên lợi nhuận, dịch vụ đi chợ thuê của nhóm đã được nhiều khách hàng tìm đến và có cả “khách ruột”. Út tâm sự, để có được thành công bước đầu là cả sự nỗ lực đấu tranh tâm lý của nhóm. Có thời điểm không nhận được đơn hàng nào khiến nhóm nản, tuy nhiên nhóm có niềm tin dịch vụ này sẽ “ăn nên, làm ra” nên kiên trì theo đuổi. Hơn nữa, sự tin tưởng, yêu mến của khách hàng đã tạo động lực cho nhóm duy trì công việc.

Thời gian tới, Út và Trang sẽ tốt nghiệp đại học. Cả hai quyết định ở lại TP. Buôn Ma Thuột phát triển dự án khởi nghiệp "đi chợ thuê". Hai bạn dự định sẽ nhờ bố mẹ hỗ trợ thêm vốn để thuê thêm nhân viên có kiến thức về dinh dưỡng phụ trách thêm mảng tư vấn dinh dưỡng cho khách. Đây là điểm mới, lạ tạo nên sự khác biệt của dịch vụ “đi chợ thuê Bmt”. Khi mô hình đi vào ổn định, nhóm sẽ đầu tư thêm trang trại trồng rau, chăn nuôi gia cầm để chủ động nguồn thực phẩm tươi sạch, hướng tới sự hài lòng lâu bền của khách hàng.

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc