Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ "giỏi việc nước đảm việc nhà"

08:51, 24/10/2018

Không chỉ làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình, bằng sự tự tin và tinh thần trách nhiệm, nhiều cán bộ, hội viên phụ nữ đã có những cống hiến cho xã hội bằng nhiều việc làm ý nghĩa hằng ngày...

Cán bộ phụ nữ giàu lòng nhân ái

Năm 2003, sau khi nghỉ công tác ở một cơ quan Nhà nước, bà Hoàng Thị Hồng Hải về tham gia công tác tại Chi hội phụ nữ tổ dân phố 3, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột. Hơn 15 năm gắn bó với công tác phụ nữ, bà Hải luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng vì công việc.

Gia đình bà Hải kinh doanh buôn bán nhỏ và nhận in đóng hồ sơ, giấy tờ nên cần nhân công làm việc. Thế là bà nghĩ ngay đến việc giúp đỡ những đối tượng học sinh, sinh viên, người nghèo có thêm việc làm. Những ai có nhu cầu làm việc theo hình thức toàn thời gian, hoặc bán thời gian bà đều tạo điều kiện giúp đỡ. Với các lao động là sinh viên, học sinh, bà Hải luôn động viên, tạo điều kiện về mặt thời gian và hỗ trợ kinh phí... Nhiều trường hợp vì gia cảnh khó khăn phải nghỉ học, bà Hải lại động viên, hỗ trợ tiền học phí để các em quay lại trường học. Hơn 15 năm qua, đã có khoảng 120 lao động có nghề nghiệp ổn định nhờ sự giúp đỡ của bà Hải.

Bà Hoàng Thị Hải  vinh dự được nhận Kỷ niệm chương
Bà Hoàng Thị Hải vinh dự được nhận Kỷ niệm chương "Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam".

Cùng với việc giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, hằng năm, bà Hải cũng vận động chị em trong chi hội đóng góp tiền, quà giúp đỡ các hộ khó khăn trong tổ dân phố ổn định cuộc sống. Bản thân bà Hải còn đứng ra cho vay vốn với những hội viên khó khăn để có điều kiện phát triển kinh tế. Với trách nhiệm là Chủ nhiệm Câu lạc bộ phụ nữ tiểu thương, bà Hải đã xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động theo từng tháng, từng quý để chị em tham gia sinh hoạt đóng góp ý kiến xây dựng câu lạc bộ ngày càng phát triển. Bên cạnh đó, bà Hải cũng vận động, tuyên truyền chị em hội viên phụ nữ trong chi hội tham gia tốt các hoạt động, phong trào như: 3 tiêu chuẩn thi đua phụ nữ tích cực học tập, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; cuộc vận động gia đình "5 không, 3 sạch"; tuyên truyền 4 phẩm chất đạo đức "tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang"...

Chi hội trưởng tận tâm với công việc

Đến buôn M’duk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột, khi hỏi về bà H’Ye Niê, ai cũng khâm phục nghị lực và tinh thần trách nhiệm với công việc của bà. Gia đình bà có 3 người con, chồng mất cách đây 10 năm nên mọi công việc trong nhà đều một tay bà gánh vác. "Vừa làm mẹ, vừa làm cha", hằng ngày bà H’Ye làm thuê cuốc mướn kiếm tiền nuôi con ăn học. Vất vả là vậy, nhưng bà luôn dạy dỗ các con cố gắng trở thành người công dân tốt của xã hội. Nhiều năm liền gia đình bà H’Ye đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”, là tấm gương sáng trong cộng đồng. Với cương vị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ buôn, bà H’Ye luôn gương mẫu chấp hành và vận động hội viên thực hiện nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tại các buổi sinh hoạt chi hội, bà luôn kết hợp tuyên truyền, giúp hội viên nâng cao nhận thức, giáo dục con em và người thân trong gia đình không vi phạm pháp luật, góp phần giữ gìn an ninh trật tự cho buôn làng.

Không chỉ tham gia công tác phụ nữ, bà H’Ye còn kiêm cán bộ dân số - kế hoạch hóa gia đình của buôn. Để giúp người dân nâng cao nhận thức về kế hoạch hóa gia đình, bà tìm đọc các tài liệu, sách báo có nội dung liên quan, tham gia đầy đủ các buổi tập huấn do cấp trên tổ chức... để tìm ra biện pháp tuyên truyền đến người dân trong buôn một cách hiệu quả nhất. Thông qua các buổi họp buôn,  sinh hoạt chi hội, đoàn thể, bà lồng ghép tuyên truyền về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới, phương pháp chăm sóc cho bà mẹ và trẻ em… Ngoài ra, bà còn chủ động đến thăm từng hộ gia đình để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của từng trường hợp; đối với những gia đình đã sinh 2 con nhưng con một bề, bà thường xuyên gặp gỡ, phân tích, vận động thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt.

Bà H’Ye kể: Gia đình Y Jima Kbuôr dù đã có "đủ nếp đủ tẻ", nhưng với quan niệm "trời sinh voi sinh cỏ"nên Y Jima vẫn muốn vợ đẻ thêm để gia đình đông con, nhiều cháu. Biết được ý định đó của Y Jima, bà đã nhiều lần đến nhà thăm hỏi, phân tích cho hai vợ chồng hiểu rõ: "Nhà đông con sẽ vui, các con trưởng thành sẽ có thêm lao động, nhưng việc nuôi dạy, chăm sóc con cái vì thế cũng sẽ bị chia nhỏ. Trong khi dân số ngày càng tăng, diện tích đất canh tác đã thu hẹp thì gia đình nên tập trung phát triển kinh tế và giáo dục con trở thành người công dân tốt, được học hành tới nơi tới chốn... Vì vậy, chỉ nên dừng lại ở 2 con...". Mưa dầm thấm lâu, sau những buổi trò chuyện với bà H’Yê, Y Jima đã quyết định không sinh con thứ 3 nữa. Nhờ sự vận động, tuyên truyền của bà H'Yê, trong số hơn 400 hộ người dân tộc thiểu số ở buôn M’duk, tình trạng sinh con thứ 3 nhiều năm liền đã không còn tái diễn.

Hồng Chuyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.