Multimedia Đọc Báo in

Phát huy hiệu quả các mô hình phụ nữ tự quản ở huyện Krông Năng

09:12, 13/07/2019

Những năm qua, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Krông Năng đã tích cực vận động hội viên phát huy vai trò trong xây dựng và duy trì tốt các mô hình tự quản, góp phần bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh ở khu dân cư.

Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với phong trào "Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới", từ năm 2015, Hội LHPN xã Phú Xuân đã triển khai xây dựng các mô hình đoạn đường tự quản tại tất cả 32 chi hội thôn. Cùng với đó, dọc hai bên các tuyến đường tự quản, chị em đã trồng một số loại hoa như mười giờ, cỏ lạc, mào gà, cúc... tạo cảnh quan đẹp mắt. Các chi hội đã thực hiện ký cam kết với từng gia đình hội viên, cũng như tuyên truyền vận động người dân không vứt rác bừa bãi, không lấn chiếm lòng, lề đường; hằng tuần đều tổ chức quét dọn vệ sinh đường làng ngõ xóm; phân công các hội viên phụ trách chăm sóc đường hoa gần nhà mình...

Chị Nguyễn Thị Hường, Chủ tịch Hội LHPN xã Phú Xuân cho biết, mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản gắn với chăm sóc đường hoa nông thôn không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm thông qua các buổi lao động tập trung, xây dựng nếp sống văn minh khu dân cư. Năm 2019, xã Phú Xuân đạt chuẩn nông thôn mới.

Chị em phụ nữ đang chăm sóc con đường hoa tại thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân.
Chị em phụ nữ đang chăm sóc con đường hoa tại thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân.

Những năm trước, trên địa bàn xã Phú Lộc thường có tình trạng người dân vứt bao bì phân bón, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật tràn lan ra rẫy, đường nội đồng, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí còn có trường hợp bị thương do dẫm phải mảnh chai vỡ… Từ năm 2014 đến nay, Hội LHPN xã Phú Lộc đã triển khai xây dựng các mô hình “Phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường”. Mô hình được đông đảo hội viên và người dân hưởng ứng nhiệt tình. Đến nay 100% chi hội các thôn trong xã đều triển khai mô hình này. Ngoài việc thực hiện đúng những nội dung cam kết về giữ gìn vệ sinh môi trường cả trong khu vực dân cư và ruộng rẫy, các hội viên phụ nữ còn tích cực tuyên truyền cho gia đình và cộng đồng chung tay nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ đó, ý thức cộng đồng đã được nâng cao, người dân tự giác thu dọn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, phân bón sau khi sử dụng đưa đến bãi rác tập trung của xã.

 
“Thành công từ những mô hình phụ nữ tự quản trên địa bàn huyện Krông Năng không chỉ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan xanh, sạch, đẹp mà còn góp phần xây dựng nếp sống văn minh, chung tay xây dựng nông thôn mới ở địa phương”.
 
Bà Phạm Thị On Ga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng

Nhiều năm nay, Câu lạc bộ (CLB) "Phòng chống bạo lực gia đình" của Chi hội phụ nữ thôn Tam Thuận, xã Cư Klông được duy trì và phát huy hiệu quả. Chị Hồ Thị Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Cư Klông cho hay, để duy trì hoạt động, hằng tháng CLB đều tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm tuyên truyền về xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; những nét đẹp, cách ứng xử trong gia đình, cách nuôi dạy con cái; đồng thời lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, kiến thức chăn nuôi, phát triển kinh tế… Thông qua hoạt động CLB, các cặp vợ chồng có thêm hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận, tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, an ninh trật tự được bảo đảm.

Còn nhớ cách đây khoảng 1 năm, gia đình chị N.T.S. và anh T.Đ.B. ở thôn Tam Thuận xảy ra mâu thuẫn tưởng chừng không thể hòa giải. Do kinh tế khó khăn, anh B. thường xuyên nhậu nhẹt, về nhà đánh đập vợ con. Sự việc lên đến cao điểm khi cả hai cùng đòi ly hôn. Khi nghe thông tin, các thành viên CLB "Phòng chống bạo lực gia đình" đã kiên trì đến nhà để động viên và giúp đỡ hai vợ chồng tháo gỡ những khúc mắc. CLB đã huy động chị em hỗ trợ cho gia đình chị S. vay 20 triệu đồng để mua bò sinh sản phát triển kinh tế. Đến nay tình cảm của vợ chồng anh chị đã được hàn gắn, anh B. không còn nhậu say mà chí thú làm ăn nuôi con cái học hành.

Chị Nguyễn Thị Lợi, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân chăm sóc đoạn đường hoa trước nhà.
Chị Nguyễn Thị Lợi, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Xuân Đoàn, xã Phú Xuân chăm sóc đoạn đường hoa trước nhà.

Theo bà Phạm Thị On Ga, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Năng, để các mô hình phụ nữ tự quản đi vào chiều sâu, hiệu quả, Hội LHPN huyện Krông Năng đã triển khai, nhân rộng đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế, bình đẳng giới... Đến nay, các cơ sở hội đã duy trì tốt 25 đoạn đường phụ nữ tự quản và trồng hơn 30 km đường hoa; xây dựng 3 câu lạc bộ gia đình “5 không, 3 sạch”... Hiện nay, toàn huyện có 15.312/17.944 lượt gia đình hội viên đạt tiêu chí “5 không 3 sạch”; năm 2019 có trên 85% số gia đình hội viên phụ nữ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.