Multimedia Đọc Báo in

Trưởng Ban công tác Mặt trận năng nổ, nhiệt huyết

09:05, 23/10/2019

Từng là cán bộ lâm nghiệp tỉnh Đắk Lắk, sau khi nghỉ hưu ông Trần Anh Luật (quê Thái Bình) cùng gia đình đi xây dựng kinh tế mới tại thôn 11, xã Ea Khăl (huyện Ea H’leo).

Nơi quê hương mới, ông Luật được người dân địa phương tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 11, xã Ea Khal, huyện Ea H’leo. Sau đó, khi chuyển về sinh sống tại tổ dân phố 6, phường Ea Tam (TP. Buôn Ma Thuột), ông được bầu làm Trưởng Ban công tác Mặt trận và Trưởng nhóm liên gia 20.

Thời gian đầu đảm nhiệm công tác Mặt trận tại tổ dân phố 6 (phường Ea Tam), ông Luật gặp không ít khó khăn do đây là địa bàn rộng, trải dài từ đường Y Wang, Nguyễn Trường Tộ đến tận khu vực đồi 491 với gần 800 hộ dân sinh sống, trên 3.000 nhân khẩu. Đây cũng là một trong những địa bàn có tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp bởi đông dân cư, gần các trường đại học, cao đẳng… nên ngoài việc khó quản lý nhân khẩu còn dễ xảy ra các tệ nạn xã hội, các mâu thuẫn, tranh chấp…

Ông Trần  Anh Luật  có thói quen  đọc báo Đảng  để nắm bắt tình hình  kinh tế,  chính trị,  xã hội  của  địa phương phục vụ cho công tác.
Ông Trần Anh Luật có thói quen đọc báo Đảng để nắm bắt tình hình kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương phục vụ cho công tác.

Trong 10 năm làm Trưởng nhóm liên gia và Trưởng Ban công tác Mặt trận, ông Luật luôn gương mẫu, năng nổ, nhiệt tình, tận tụy trong công việc. Ông dành nhiều thời gian đến từng hộ dân trong tổ dân phố để tìm hiểu hoàn cảnh, vận động bà con tích cực lao động, sản xuất; hướng dẫn họ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xóa đói, giảm nghèo. Ngoài ra, ông còn chịu khó trang bị kiến thức về pháp luật, thường xuyên sâu sát, kịp thời nắm bắt những vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong tổ dân phố, kiên trì gặp gỡ, hòa giải nhằm giải quyết dứt điểm mâu thuẫn ngay từ cơ sở. Từ năm 2016 đến nay, ông đã cùng Ban hòa giải của phường Ea Tam hòa giải thành công hơn 12 vụ việc xảy ra trên địa bàn, không để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự nơi sinh sống.

Không chỉ thường xuyên trau dồi kinh nghiệm với các cán bộ Mặt trận, ông Luật còn chịu khó đọc báo, theo dõi nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế - xã hội trong và ngoài địa phương để từ đó đề ra những biện pháp, cách làm hay và phù hợp với người dân và địa bàn của mình nhằm thực hiện tốt công tác dân vận”. Đến nay, ông và hội viên Cựu chiến binh tổ dân phố đã xây dựng nguồn Quỹ đồng đội được hơn 87 triệu đồng, qua đó giúp đỡ 10 gia đình vay vốn phát triển kinh tế; vận động các chi hội phụ nữ, chi hội người cao tuổi và chi hội cựu chiến binh đóng góp được hơn 210 triệu đồng cho 30 hội viên vay vốn, đặc biệt Chi hội Phụ nữ của tổ dân phố 6 đã tín chấp với ngân hàng gần 2 tỷ đồng cho người dân vay vốn… Nhờ vậy, từ 17 hộ nghèo năm 2016 đến nay tổ dân phố 6 không còn hộ nghèo, nhiều hộ có thu nhập từ 300 - 500 triệu đồng/năm, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt 90%.

Bên cạnh đó, ông Luật cùng với Ban tự quản tổ dân phố đã vận động người dân hiến đất, đóng góp làm đường giao thông. Trong năm 2018, Ban Mặt trận tổ dân phố đã vận động nhân dân đóng góp khoảng 400 triệu đồng, hiến hơn 100 m2 đất và hàng trăm ngày công cùng với Nhà nước bê tông hóa đường giao thông. Ban Mặt trận tổ dân phố cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom rác thải, vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp, tham gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Nhiều năm liền, ông Luật đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Ea Tam tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác Mặt trận. Hằng năm, ông đều được công nhận đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông cũng được Đảng ủy phường Ea Tam tuyên dương là tấm gương điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh 3 năm liền (2016 - 2019).

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.