Nghị lực của cặp vợ chồng nhiễm HIV
Hơn 7 năm nay, đều đặn mỗi tháng một lần, vợ chồng anh Nguyễn Văn T. và chị Nguyễn Thị A. (ở thôn 13, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) lại cùng nhau vượt quãng đường gần 60 km đến khoa Phòng chống HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk) khám và nhận thuốc kháng virút HIV (thuốc ARV).
Không như nhiều người nhiễm HIV khác luôn ngại ngần ánh mắt của những người xung quanh, anh T. và chị A. thật sự dễ mến với nụ cười luôn nở trên môi.
Bác sĩ Huỳnh Thị Hồng Sinh, cán bộ y tế khoa Phòng chống HIV/AIDS cho biết, đây là hai trong số những người nhiễm HIV điều trị ARV đầu tiên của khoa. Hai vợ chồng đều rất kiên trì, dù đường sá xa xôi, thậm chí có thời điểm chị A. đi làm công nhân thời vụ ở tận Đồng Nai nhưng chưa tháng nào họ bỏ lịch khám. Nhờ tuân thủ nghiêm túc điều trị mà nhiều năm nay sức khỏe của hai vợ chồng đều rất tốt, tải lượng virút dưới ngưỡng phát hiện.
Vợ chồng anh T., chị A. đến khám tại khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk. |
Bảy năm trước đây, gia cảnh của vợ chồng anh T. và chị A. rất khó khăn, có 4 sào rẫy làm không đủ nuôi con ăn học nên cả hai phải đi làm thuê đủ việc. Thời gian bị bệnh, anh T. đang đi theo nhóm bạn gặt lúa thuê ở các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai. Khi thấy cơ thể mệt mỏi, gầy yếu, anh nghỉ việc về nhà dưỡng bệnh nhưng càng chữa, bệnh lại càng nặng thêm.
Chỉ trong gần 2 tháng, anh sụt mất 20 kg, người chỉ còn da bọc xương, tưởng chừng không qua khỏi. Anh chị quyết định vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh) khám và được chẩn đoán nhiễm HIV. “Lúc đó tôi suy sụp hoàn toàn, chỉ nghĩ rằng mình sẽ chết. Vợ thì chỉ biết khóc. Hồi ấy, tôi mới chỉ nghe láng máng về HIV, cũng không biết tại sao mình lại nhiễm”, anh T. kể lại. May mắn là cả hai đứa con của anh chị không bị nhiễm "căn bệnh thế kỷ" này, vợ chồng anh như trút được một gánh nặng lớn.
May mắn cho anh chị là thời điểm phát hiện nhiễm HIV cũng là lúc tỉnh Đắk Lắk bắt đầu triển khai điều trị ARV tại Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh (nay là khoa Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk). Nhờ được các y bác sĩ tư vấn, động viên, anh T. quyết định điều trị ARV. Qua vài tháng, sức khỏe của anh được cải thiện rõ rệt; một năm sau, chị A. cũng tiếp nhận phác đồ điều trị.
Hiện nay nhiều bệnh nhân nhiễm HIV đang tự kỳ thị chính bản thân. Nếu họ mạnh dạn mở lòng mình, cố gắng lao động, học tập, vươn lên bằng con đường chân chính thì chắc chắn họ sẽ nhận lại được sự yêu thương của mọi người. Câu chuyện của vợ chồng anh Nguyễn Văn A. và chị Nguyễn Thị T. chính là minh chứng cho điều ấy. |
Mặc dù mang trong mình "căn bệnh thế kỷ" nhưng vợ chồng anh T. và chị A. không mặc cảm, giấu giếm hoàn cảnh của mình mà luôn hòa đồng, chia sẻ với mọi người xung quanh.
Chị A. tâm sự: “Nếu tôi cứ mặc cảm, không cho mọi người biết tình trạng của mình thì cả đời vợ chồng tôi sẽ sống trong sợ hãi, lo sợ bị phát hiện nhưng nghĩ đi nghĩ lại, mình đâu có làm gì sai mà phải sợ. Nếu mình sống tốt, biết vươn lên, chia sẻ với mọi người thì chắc chắn mọi người cũng sẽ thông cảm, yêu thương mình. Nghĩ vậy nên vợ chồng tôi đã mở lòng mình ra, mạnh dạn chia sẻ. Và suốt 7 năm qua, chúng tôi vẫn sống vui, sống khỏe, các con khôn lớn, chăm chỉ học hành. Nếu mình không yêu thương, tôn trọng bản thân mình thì làm sao mong cầu người khác làm điều đó với mình?”.
Vợ chồng anh T., chị A. vẫn chăm chỉ lao động hằng ngày. |
Cũng nhờ sự chân thành ấy nên bà con trong thôn xóm ai cũng biết hoàn cảnh của gia đình anh T. nhưng không ai e ngại hay xa lánh họ; ngược lại mọi người đều thông cảm, chia sẻ, sẵn sàng giúp đỡ, tương trợ để anh chị vượt qua bệnh tật, vươn lên trong cuộc sống. Chị Nguyễn Thị Hoa, hàng xóm của gia đình anh T. cho biết: “Có bệnh nhưng cô A., chú T. không giấu giếm bệnh tật mà luôn sống vui vẻ, cố gắng làm lụng nuôi con. Cả vợ lẫn chồng đều chăm chỉ nên trong thôn ai cũng thương. Hàng xóm chị em có cái gì ngon cũng chia nhau ăn, bệnh tật thì đỡ đần nhau”.
Thu Huế
Ý kiến bạn đọc