Multimedia Đọc Báo in

Góp sức trẻ xây dựng quê hương

09:30, 29/04/2020
Những năm qua, phong trào "Tuổi trẻ chung sức xây dựng nông thôn mới" đã thôi thúc mỗi đoàn viên thanh niên (ĐVTN) tích cực đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Những mô hình hợp tác của thanh niên

Được Huyện Đoàn Ea Súp hỗ trợ thành lập từ năm 2018 với 20 thành viên, Hợp tác xã (HTX) Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp (xã Ya Tờ Mốt) đã góp phần mang lại thu nhập, giải quyết việc làm cho nhiều thanh niên và người lao động địa phương.

Với nguyên tắc hợp tác và phát triển, nhằm giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong việc áp dụng các kỹ thuật chăm sóc cây trồng; tiêu thụ sản phẩm, cung ứng cây giống, sản xuất theo chuỗi liên kết để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi bán ra thị trường, hiện nay HTX trồng được hơn 50 ha cây ăn trái với các loại chủ yếu như: xoài, quýt, ổi, nhãn... 

Mô hình sản xuất của HTX Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp.
Mô hình sản xuất của HTX Cây ăn trái Vang Thanh Ea Súp.

Anh Lê Văn Thanh, Giám đốc HTX cho biết: “Những năm qua có nhiều hộ dân trên địa bàn mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, chủ yếu là trồng cây ăn trái và đã đạt kết quả khả quan. Việc hình thành vùng cây ăn trái và thành lập HTX là bước phát triển mới, nhằm từng bước hình thành vùng sản xuất cây ăn trái theo hướng hàng hóa, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, tạo việc làm cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo, thay đổi diện mạo đời sống nông thôn”.

Đây chỉ là một trong rất nhiều HTX, mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác thanh niên đã khẳng định hướng đi đúng. Trong số đó có thể kể thêm HTX Thanh niên Ea Tân (huyện Krông Năng) với 14 thành viên tham gia hoạt động ở 5 lĩnh vực chính là mua bán vật tư nông nghiệp, nông sản, trái cây; sản xuất, cung cấp cây giống, thu mua cây dược liệu; thiết kế, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; xây dựng các công trình dân dụng – thủy lợi; cung cấp các dịch vụ vệ sinh, môi trường. Hay Tổ góp vốn 85 tại xã Cư Bông (huyện Ea Kar) với 10 thành viên là những thanh niên sinh năm 1985 đã đóng hơn 100 triệu đồng để xoay vòng hỗ trợ nhau đầu tư chăn nuôi, trồng trọt…

Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên được trưng bày tại Ngày hội Thanh niên nông thôn do Tỉnh Đoàn tổ chức.
Sản phẩm khởi nghiệp của thanh niên được trưng bày tại Ngày hội Thanh niên nông thôn do Tỉnh Đoàn tổ chức.

Sức trẻ được phát huy

Với phương châm hành động “Mỗi thanh thiếu niên một việc làm tình nguyện, mỗi cơ sở đoàn, hội một công trình, phần việc thiết thực tham gia xây dựng NTM và đô thị văn minh”, phong trào "Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay xây dựng NTM" đã có sức lan tỏa rộng khắp trong thanh niên. Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn chủ động phối hợp với Văn phòng Điều phối xây dựng NTM tổ chức biên tập các nội dung tuyên truyền về xây dựng NTM thành tài liệu sinh hoạt của chi đoàn, chi hội. 

Tỉnh Đoàn đã phối hợp xây dựng các phóng sự, chuyên đề về hoạt động của Đoàn trong việc tham gia xây dựng NTM, nhất là những bài viết nêu những mô hình hay, hiệu quả trong phong trào phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, các công trình, phần việc xây dựng NTM của thanh niên để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên trang mạng xã hội Facebook, website của Tỉnh Đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh.

Thanh niên tình nguyện tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại huyện Cư Kuin.
Thanh niên tình nguyện tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn tại huyện Cư Kuin.

Thành quả là 10 năm qua, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn tỉnh đã đảm nhận thực hiện được hơn 7.000 công trình, phần việc thanh niên đóng góp xây dựng NTM với trên 400.000 lượt đoàn viên thanh niên tham gia, giá trị làm lợi gần 60 tỷ đồng. Trong đó, nhiều công trình, phần việc đã để lại nhiều dấu ấn đẹp trong cộng đồng như: bê tông hóa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà Khăn quàng đỏ, nhà Nhân ái; làm cầu giao thông, công trình thắp sáng đường quê; trồng cây xanh tại các tuyến đường, thu gom, xóa điểm đen về rác thải...

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.