Multimedia Đọc Báo in

Từng bước hiện thực hóa mục tiêu 90% dân số tham gia BHYT

08:54, 28/04/2020

Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐND, ngày 6-12-2019 của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ mức đóng Bảo hiểm y tế  (BHYT) cho người thuộc hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp (NLNN) có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên (HSSV) trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 1-1-2020 đã góp phần tăng tỷ lệ bao phủ dân số tham gia BHYT của tỉnh.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông TRƯƠNG VĂN SÁNG, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh xoay quanh nội dung này.

°Thưa ông, Nghị quyết số 06/2019 của HĐND tỉnh ban hành đã tạo thêm điều kiện cho người thuộc hộ gia đình làm NLNN có mức sống trung bình và HSSV trên địa bàn tỉnh trong việc tham gia BHYT. Ông có nhận định như thế nào sau khi Nghị quyết đi vào đời sống?

Theo Luật BHYT hiện hành, ngoài một số đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, còn có nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện (tự đóng), nhóm này có những đối tượng còn khó khăn, không có điều kiện tham gia. Nghị quyết 06/2019 của HĐND tỉnh nhằm cụ thể chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước ta, tức là ngoài ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, các địa phương có thể dùng ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm cho các nhóm đối tượng khó khăn (không thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc) có điều kiện tham gia BHYT để tiếp cận các dịch vụ y tế khi cần khám chữa bệnh, đảm bảo nguồn tài chính cho cá nhân khi ốm đau bệnh tật. Tôi nghĩ đây là chủ trương rất đáng mừng, hướng tới mục tiêu của địa phương là đẩy nhanh độ bao phủ BHYT.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trương Văn Sáng.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Trương Văn Sáng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc còn tương đối ít, trong khi dân số toàn tỉnh khá đông với hơn 1,9 triệu người. Tính đến cuối năm 2019, tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh mới đạt 87,3% dân số, trong khi chỉ tiêu của Chính phủ giao cho Đắk Lắk đến cuối năm 2020 phải đạt 90% dân số tham gia BHYT. Như vậy số còn lại so với số đã tham gia còn rất nhiều. Nghị quyết 06/2019 hỗ trợ thêm kinh phí cho nhóm NLNN có mức sống trung bình và HSSV tham gia BHYT nhằm nâng cao tỷ lệ người có thẻ BHYT trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trong lĩnh vực BHYT, nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, quý I năm 2020, tỷ lệ tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 87,7% dân số, tăng 0,4% so với thời điểm cuối năm 2019.

°Để Nghị quyết được đông đảo người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là người dân vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số biết và hưởng lợi, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có những giải pháp gì, thưa ông?

Để Nghị quyết 06/2019 của HĐND tỉnh đi vào đời sống đòi hỏi cần có nhiều giải pháp triển khai thực hiện. BHXH đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Nghị quyết; phối hợp tích cực với các ban, ngành liên quan, đặc biệt là ngành Thương binh và Xã hội, ngành Y tế, làm sao để người dân biết đến sự hỗ trợ của kinh phí địa phương ngoài kinh phí Trung ương, từ đó chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được hưởng chính sách BHYT của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, thường xuyên tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương để chỉ đạo triển khai quyết liệt nội dung này. Bởi trên thực tế, BHYT không vì mục đích kinh doanh mà do Nhà nước tổ chức theo nguyên tắc đảm bảo tài chính cho các cá nhân khi xảy ra đau ốm. Khi tham gia BHYT, ngoài việc bảo đảm tài chính cho bản thân khi xảy ra ốm đau bệnh tật, người tham gia còn đóng góp một phần để chia sẻ chi phí khám chữa bệnh cho nhiều người khác trong trường hợp họ xảy ra đau ốm. Đây là nguyên tắc chia sẻ rất nhân văn.

Đối với đặc thù của Đắk Lắk là địa bàn rộng, dân cư phân bổ không đều và số người lao động trong nhóm NLNN chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi phân tán, việc triển khai chính sách BHYT nói chung và Nghị quyết 06/2019 nói riêng đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, đặc biệt sự chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc triển khai lập danh sách nhóm đối tượng thụ hưởng.

°Theo ông, để hoàn thành chỉ tiêu được giao đạt 90% dân số tham gia BHYT vào cuối năm 2020 và thực hiện Nghị quyết số 06/2019 có hiệu quả, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới sẽ là gì?

Ngoài nhóm đối tượng tham gia BHYT bắt buộc, đối tượng nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh cũng khá đông, chiếm khoảng 60% so với cơ cấu người tham gia BHYT của tỉnh hiện nay. Bên cạnh đó, số người dân chưa tham gia BHYT tương đối lớn, chiếm khoảng 15% dân số. Để đạt được tỷ lệ 90% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia BHYT vào cuối năm 2020, chúng tôi sẽ tập trung phối hợp với các ngành triển khai mạnh mẽ việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách của Nhà nước; khuyến khích người dân thuộc các đối tượng này chủ động liên hệ với chính quyền địa phương để được lập danh sách tham gia BHYT. Đồng thời phối hợp với ngành Giáo dục và các nhà trường tuyên truyền, vận động để HSSV và gia đình thấy được vai trò của BHYT, từ đó tích cực tham gia. Bên cạnh đó tiếp tục mở rộng đại lý thu BHYT đến UBND xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, các cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức kinh tế…, các đại lý này sẽ niêm yết biển hiệu, chỉ dẫn công khai địa chỉ, cách thức thực hiện các thủ tục nộp BHYT, số điện thoại hỗ trợ và số điện thoại đường dây nóng của cơ quan BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận khi tham gia BHYT.

°Trân trọng cảm ơn ông!

 Kim Oanh (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.