Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm… hú hồn một lần tác nghiệp

08:46, 26/06/2020

Là một lái xe rồi trở thành giáo viên dạy lái xe nhưng trong tôi luôn cháy bỏng niềm đam mê viết lách. Những con người, câu chuyện, sự việc gặp trên đường, trong cuộc sống hằng ngày cứ thôi thúc tôi phải cầm bút viết, để rồi tôi trở thành một nhà báo nghiệp dư, cộng tác viên của Báo Đắk Lắk. 

Tôi có rất nhiều kỷ niệm trong những lần tác nghiệp, nhưng lần viết về nạn "sa tặc" ở huyện Ea Kar là kỷ niệm khiến tôi… hết hồn khi suýt trở thành nạn nhân của bọn côn đồ!

Một ngày vào tháng 12-2019, tôi được một người bạn là giáo viên cũng là nhà báo nghiệp dư rủ đến xã Ea Ô (huyện Ea Kar) vừa thăm người quen vừa đi tham quan, lấy tư liệu về những mô hình trồng cam, quýt của nông dân để viết bài. Trong bữa cơm ở nhà người quen tại Ea Ô, chúng tôi nghe người dân địa phương bày tỏ nỗi bức xúc về nạn khai thác cát trái phép đang làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Đoàn xe chở cát quá tải chạy rầm rập suốt ngày suốt đêm “băm nát” con đường trải nhựa mới xây dựng; bờ sông sạt lở hai bên bờ lấn dần vào ruộng nương của người dân… Nhiều hộ dân kêu cứu nhưng chính quyền địa phương vẫn “im hơi lặng tiếng”. Vài hộ dân phải chấp nhận bán rẻ đất cho đơn vị khai thác cát còn hơn bị sông “nuốt” mất đất!

Bến cát thôn 6B, xã Ea Ô tấp nập như một công trường. (Ảnh tác giả chụp minh họa cho bài viết)
Bến cát thôn 6B, xã Ea Ô tấp nập như một công trường. (Ảnh tác giả chụp minh họa cho bài viết)

Nắm bắt được thông tin như vậy, chúng tôi ra con đường nhựa chạy men theo sông từ xã Ea Ô sang xã Cư Elang để xem có đúng tuyến đường này bị tàn phá như người dân phản ánh không. Tôi dùng điện thoại quay con đường và dọc hai bờ sông, cảnh công trường khai thác cát đang rất nhộn nhịp. Những người dân đưa chúng tôi đi cứ thấp thỏm lo sợ bọn đầu gấu có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Tay máy của tôi vốn đã run lại càng run tợn. Nhưng kiểu tác nghiệp ngồi trên ô tô quay, chụp ảnh như thế này không khác gì “cưỡi ngựa xem hoa” khiến tôi không yên tâm.

Tôi quyết định cùng người bạn đi xe máy quay lại con đường để chụp ảnh và xem xét tường tận về tình trạng khai thác cát. Yêu cầu người bạn dừng xe lại để tôi đứng từ xa zoom ảnh về, giữ máy cho thật chắc và bấm. Linh tính về mối nguy đã được người dân báo trước nên người bạn của tôi không dám tắt máy xe và tôi làm việc cũng vô cùng khẩn trương.

Trên đường về, mặc dù đã cố chạy nhanh hết mức có thể nhưng xe chúng tôi vẫn bị một người đàn ông lao xe máy đuổi kịp. Hắn ta quát lớn: “Nhà báo phải không? Muốn quay phim chụp ảnh thì vào mà chụp sao chụp lén như ăn trộm vậy? Chúng mày muốn gì?”. Tôi ngồi chết lặng với cái máy ảnh nhỏ trên tay chưa kịp đút vào túi quần. Cũng may máy tôi cầm phía bên phải, tên đầu gấu đang đuổi theo và ép xe từ phía bên trái nên tôi kịp thời giấu máy vào giữa hai đùi và hắn không thấy. Người bạn tôi ra sức chạy và né muốn lọt lề mỗi khi bị ép xe, còn tôi cũng không nghĩ ra nổi một câu gì để trả lời. Tên đầu gấu vẫn tăng ga bám theo nhưng chưa có cơ hội để chặn được chúng tôi lại và hắn gọi điện thoại để có thêm sự hỗ trợ.

Có lẽ người bạn tôi cũng thấy rất rõ bên xe của tên đầu gấu có dắt một con dao bản lớn nên lao xe đi rất nhanh về đến nhà người quen. Tên đầu gấu cũng dừng xe bước theo vào. Cũng may chủ nhà nhanh ý nói chúng tôi là bà con ở xa đến chơi và đang có ý định mua rẫy ở lại làm ăn lâu dài. Tôi nhanh chóng lẩn vào xe ô tô giấu máy và ngồi im chốt cửa trong xe, trống ngực đánh thình thịch với tình huống nguy hiểm mình vừa đối mặt…

Bài viết “Tan nát cầu đường, bờ sông do nạn khai thác cát ở xã Ea Ô (huyện Ea Kar)” được Báo Đắk Lắk đăng tải. Chỉ mấy tháng sau, người dân Ea Ô gọi điện thông báo: Bến cát đã bị lực lượng của Bộ Công an theo dõi, bắt quả tang và triệt phá… Cũng đáng cho một lần hú hồn vì đam mê!

Vương Tâm Long Vũ


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.