Đưa "hồn" nhà gỗ truyền thống lên cao nguyên
Tiếp nối truyền thống của gia đình, anh Nguyễn Văn Sơn (SN 1989, ở thôn 9, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) đã duy trì và phát triển nghề làm nhà gỗ, góp phần giữ gìn nét đẹp văn hóa của làng quê xứ Nghệ.
Cha anh Sơn là ông Nguyễn Văn Hoàn vốn là một thợ mộc nổi tiếng ở Nghệ An. Tuy nhiên, từ năm 1973, khi gia đình chuyển vào Đắk Lắk lập nghiệp, vì cuộc mưu sinh nên ông tạm gác lại niềm đam mê với gỗ. Qua những câu chuyện kể của cha về nghề làm nhà gỗ, anh Sơn càng thêm ngưỡng mộ tài nghệ của những người thợ. Điều đó đã nhen nhóm niềm đam mê với nghề mộc trong anh. Mong muốn được kế tục nghề của cha, năm 2010, anh Sơn đã khăn gói về xã Nam Lộc (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) - làng nghề nổi tiếng về làm nhà gỗ truyền thống để học. Từ đó, anh theo chân những người thợ mộc đi khắp các bản làng của các huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An như: Quế Phong, Con Cuông, Quỳ Châu… làm nhà gỗ.
Anh Nguyễn Văn Sơn đang chỉnh sửa lại hoa văn trên gỗ. |
Những năm gần đây, khi đời sống kinh tế của người dân dần đủ đầy hơn, nhiều gia đình lại có xu hướng sống hoài cổ, thích uống trà, đọc sách, gặp gỡ bạn bè trong những ngôi nhà gỗ được chế tác theo kiến trúc cổ xưa như: nhà sàn, nhà tứ giác, ngũ giác, lục giác; nhà hai gian, ba gian... Ngoài ra, các khu nghỉ dưỡng, homestay cũng đang rất ưa chuộng các kiểu nhà gỗ truyền thống nhằm phục vụ du khách tham quan, nghỉ ngơi. Nắm bắt nhu cầu này, sẵn tại nơi mình sinh sống có nguồn gỗ muồng đen dồi dào, năm 2019, anh Sơn quyết định trở về địa phương mở xưởng chuyên làm nhà gỗ truyền thống và mời những thợ mộc có tay nghề về làm cùng mình.
Thời gian đầu, anh Sơn gặp không ít khó khăn, xưởng nằm sâu trong làng nên trở ngại trong việc vận chuyển vật liệu gỗ, đơn đặt hàng ít chủ yếu từ người quen, bạn bè… Không nản chí, với quyết tâm bám trụ với nghề, anh vừa làm vừa mở rộng quy mô sản xuất, ngoài đồ nghề truyền thống, anh còn trang bị nhiều thiết bị máy móc hiện đại như máy xẻ, máy mài, máy đánh bóng… nên các công đoạn được rút ngắn, sản phẩm làm ra tinh tế, đẹp mắt hơn. Anh Sơn chia sẻ: “Với cách làm truyền thống, một căn nhà có diện tích 50 m2, hơn 10 thợ mộc phải làm việc liên tục trong vòng ba tháng mới hoàn thành nhưng có sự hỗ trợ của máy móc thì thời gian được rút ngắn xuống chỉ còn một tháng”. Tiếng lành đồn xa, xưởng mộc của anh được nhiều người biết đến hơn, số lượng khách hàng ngày một tăng. Anh cũng bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng có giá trị lớn trong và ngoài tỉnh như: Lâm Đồng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang…
Ngôi nhà gỗ ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng do xưởng mộc của anh Sơn thi công. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo anh Sơn, một ngôi nhà gỗ được coi là đẹp ngoài chất liệu gỗ tốt thì phải có kết cấu hài hòa, các mối đấu nối phải khít với nhau; họa tiết trên các thân cột, kèo phải được chạm trổ tỉ mỉ, sống động. Tùy theo quy mô, chất liệu gỗ, độ tinh xảo mà mỗi căn nhà có giá trị khác nhau. Có những ngôi nhà giá chỉ 200 - 300 triệu đồng nhưng có căn lên đến tiền tỷ. Thời gian để hoàn thành một ngôi nhà cũng khác nhau, ngắn thì một tháng, lâu thì cũng phải nửa năm.
Nghề làm nhà gỗ truyền thống không chỉ đem lại cho anh Sơn nguồn thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 10 - 20 triệu đồng/tháng. Ngoài thi công các kiểu nhà gỗ truyền thống, xưởng gỗ của anh còn chế tác các vật dụng, phụ kiện trang trí đi kèm như: bàn ghế, giường tủ, đồ thờ, tranh treo tường…
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc