Multimedia Đọc Báo in

Giải quyết những vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường

13:43, 22/05/2021

Với phương châm “giải quyết tận gốc các vấn đề mà cử tri quan tâm, kiến nghị”, HĐND tỉnh thường xuyên đôn đốc các cơ quan có trách nhiệm trả lời, giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời tiến hành giám sát chặt chẽ việc thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại…

Giải quyết, khắc phục từ ý kiến cử tri

Từ nhiều năm nay, vấn đề xả thải của Cụm công nghiệp Tân An (TP. Buôn Ma Thuột) gây ô nhiễm môi trường tại hồ Ea Trum (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân. Ghi nhận ý kiến của cử tri xã Cư Suê, HĐND tỉnh đã chuyển đến UBND tỉnh xem xét, giải quyết, trả lời.

Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), UBND TP. Buôn Ma Thuột kiểm tra, xử lý; đồng thời giao Công an tỉnh chủ trì tăng cường kiểm tra để xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử phạt các đơn vị có hành vi xả thải trái phép và yêu cầu thực hiện đúng quy định về xử lý chất thải trước khi đưa ra môi trường. Mặt khác, để giải quyết triệt để vấn đề này, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố tiếp tục xây dựng, đưa khu xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Tân An sớm đi vào hoạt động.

 

Vấn đề khai thác cát trái phép được phản ánh trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh chụp năm 2018: Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn, huyện Cư Kuin). Ảnh: Thúy Hồng
Vấn đề khai thác cát trái phép được phản ánh trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri (Ảnh chụp năm 2018: Tàu khai thác cát tập kết gần khu vực cầu Giang Sơn, huyện Cư Kuin). Ảnh: Thúy Hồng

 

Ông Y Đức Êban, Trưởng buôn Sút M’grư (xã Cư Suê, huyện Cư M'gar) cho hay: “Hồ Ea Trum là hồ thủy sinh, tích nước từ hệ thống nước ngầm. Mấy năm gần đây, do nước hồ bị ô nhiễm nên người dân không dám sử dụng nguồn nước này nữa. Nếu vấn đề này được giải quyết, xử lý triệt để, môi trường sống của người dân sẽ không còn bị ảnh hưởng nữa…”.

Không riêng gì ý kiến của cử tri xã Cư Suê mà hầu hết các phản ánh, kiến nghị của cử tri trong tỉnh về những vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường đã được các cấp, ngành liên quan của tỉnh nghiêm túc giải quyết, xử lý thỏa đáng. Có thể kể đến một số nội dung như: giải quyết đền bù giải phóng mặt bằng khu vực hồ chứa nước Ea H’leo; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất canh tác cho các đối tượng thụ hưởng; khắc phục, cải thiện tình trạng nghèo dinh dưỡng của đất trên địa bàn huyện Krông Bông; vấn đề khai thác cát trái phép; việc quy hoạch hố rác tại các khu dân cư…

Trưởng Ban Pháp chế – HĐND tỉnh Phạm Hát đánh giá: Nhìn chung, các nội dung ý kiến của cử tri mà Thường trực HĐND tỉnh tổng hợp chuyển đến đã được UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện giải quyết, trả lời, đề ra biện pháp thực hiện, khắc phục. Nhiều nội dung sau khi nhận được ý kiến, kiến nghị của cử tri, các đơn vị, địa phương đã ban hành văn bản để kiểm tra, tiến hành xác minh, chỉ đạo khắc phục kịp thời.

Sâu sát trong giám sát

Thường trực HĐND tỉnh cũng đã chọn ra những vấn đề nổi cộm, còn nhiều khó khăn, vướng mắc được cử tri quan tâm trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường để tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề.

Gần đây nhất là cuộc giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, bất cập còn tồn tại, nêu lên nguyên nhân và đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban, ngành liên quan sớm khắc phục với nhiều biện pháp quyết liệt.

Ngoài ra, một số cuộc giám sát khác có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên – môi trường cũng đã được thực hiện. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 4 HĐND tỉnh khóa IX, lần đầu tiên HĐND tỉnh tổ chức giám sát chuyên đề “nóng” tại kỳ họp về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua ý kiến thảo luận, đề xuất của các đại biểu cũng như giải trình của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát tình hình chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, trong đó đề ra 7 nhóm giải pháp tổng thể với những giải pháp quyết liệt để chấn chỉnh, tháo gỡ vướng mắc, lập lại trật tự trong hoạt động khai thác khoáng sản.

Có thể nói, thông qua các hoạt động giám sát, HĐND tỉnh đã đánh giá đúng kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, ngành; kiến nghị những biện pháp, giải pháp cụ thể nhằm phát huy tính tích cực, chấn chỉnh kịp thời các sai sót, khuyết điểm trong quá trình thực hiện, góp phần thực hiện tốt chính sách, pháp luật và các nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên – môi trường trên địa bàn tỉnh.

Lê Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.