Nâng cao nhận thức về an toàn vệ sinh lao động
Cùng với việc triển khai các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thì việc nâng cao nhận thức bảo vệ an toàn từ chính người sử dụng lao động và người lao động cần được đặc biệt chú trọng.
Day dứt nỗi đau tai nạn lao động
Một ngày cuối tháng 10-2020, khi đang kiểm tra, sửa chữa tại Công trình cấp nước sinh hoạt Trạm Ea Bar, huyện Buôn Đôn (thuộc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh), anh Y.M. bị điện giật dẫn đến tử vong. Anh ra đi đột ngột để lại người vợ trẻ cùng đứa con mới tròn 3 tuổi khiến ai cũng bàng hoàng, thương xót. Vợ anh, chị H.B. (trú xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) ngậm ngùi: “Cuộc sống còn nhiều khó khăn nên vợ chồng tôi ở cùng với gia đình nhà ngoại, thường ngày gửi con ở nhà để đi làm đến chiều tối mới về, nhưng nay thì anh ấy mãi ra đi, không về với con nữa rồi”.
Được biết, anh Y.M. được giao quản lý, vận hành Công trình cấp nước sinh hoạt Trạm Ea Bar từ nhiều năm nay, quá trình làm việc anh luôn tuân thủ nghiêm các quy trình về vận hành cũng như bảo đảm an toàn lao động. Vào hôm xảy ra vụ việc, nhận được phản ánh của người dân về việc hệ thống cấp nước bị trục trặc nên anh Y.M. đã đến Trạm để xử lý, khắc phục, không ngờ sự cố xảy ra đột ngột...
Đại diện Liên đoàn Lao động tỉnh và TP. Buôn Ma Thuột thăm hỏi, tặng quà gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. |
Tương tự, cuối năm 2020, ông P.Đ.N., công nhân Xí nghiệp Thoát nước Buôn Ma Thuột - Công ty Cổ phần đô thị và môi trường Đắk Lắk khi đang dọn dẹp vệ sinh tại khu vực hồ chứa nước thải không may bị rơi xuống hồ dẫn đến tử vong. Được biết, vợ chồng ông N. làm cùng công ty, có hai con đang học đại học. Ông N. chẳng may bị tai nạn lao động không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình, doanh nghiệp mà còn để lại khoảng trống trong việc chăm lo cho hai con ăn học. Theo ông Lê Đình Trung, Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần đô thị và môi trường Đắk Lắk, những năm qua đơn vị luôn chú trọng đến công tác đầu tư trang thiết bị đảm bảo môi trường làm việc an toàn; triển khai thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về cải thiện, đảm bảo an toàn môi trường làm việc, huấn luyện an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe công nhân… Đối với trường hợp của ông N., dù luôn chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động, nhưng thực tế làm việc vẫn có những sự cố phát sinh khó lường, dẫn đến hậu quả đau lòng.
Có thể nói, những nỗi đau, mất mát không gì bù đắp ấy vẫn còn dai dẳng ở nhiều gia đình khác. Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), chỉ tính trong năm 2020, toàn tỉnh đã xảy ra 15 vụ tai nạn lao động làm 7 người chết và 5 người bị thương nặng (trong đó có 3 vụ tai nạn giao thông được xem là tai nạn lao động), để lại nỗi đau không gì khỏa lấp được trong lòng những người thân, đồng nghiệp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Để đảm bảo ATVSLĐ, hằng năm, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ, với mục đích tuyên truyền sâu rộng về các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc; tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ; đồng thời, đẩy mạnh các chương trình hành động về phòng ngừa, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các doanh nghiệp, cơ sở, hộ gia đình.
Công nhân thu gom rác thải Công ty Cổ phần đô thị và môi trường Đắk Lắk chấp hành nghiêm quy định về an toàn vệ sinh lao động khi làm việc. |
Hai năm nay, việc triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ có sự thay đổi do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Năm 2020, Sở LĐ-TB-XH không tổ chức đoàn thanh kiểm tra việc bảo đảm ATVSLĐ ở các doanh nghiệp mà chỉ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ cho các doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người làm công tác ATVSLĐ; huấn luyện ATVSLĐ cho người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Cùng với đó, triển khai tư vấn xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ trực tiếp tại các doanh nghiệp; tuyên truyền chính sách bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại doanh nghiệp...
Thực tế cho thấy, nhiều vụ tai nạn không chỉ đơn thuần do sự cố kỹ thuật mà xuất phát từ sự chủ quan của cả chủ sử dụng lao động và người lao động. Do đó, việc tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền về công tác ATVSLĐ sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động tại các doanh nghiệp, từ đó hạn chế tình trạng mất ATVSLĐ trên địa bàn, giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có trên 8.300 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 110.000 lao động trong các lĩnh vực. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn lao động xảy ra, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương thì đòi hỏi người sử dụng lao động và người lao động phải nâng cao nhận thức, xây dựng môi trường làm việc an toàn, có ý thức tuân thủ các nguyên tắc an toàn lao động để tự bảo vệ chính bản thân mình.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021 có chủ đề: “Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ, rủi ro về ATVSLĐ và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên” với mục đích tạo đợt cao điểm về tuyên truyền, nâng cao ý thức, nhận thức của người sử dụng lao động, người lao động và các cấp, các ngành về thực hiện công tác ATVSLĐ...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc