Multimedia Đọc Báo in

Thiết thực chăm lo cho đoàn viên và người lao động

10:35, 01/05/2021

Xác định công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) là nhiệm vụ trọng tâm,  tổ chức công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ đoàn viên và người lao động (NLĐ) có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ vươn lên trong cuộc sống.

Năm 2020 là năm có nhiều biến động đối với toàn xã hội nói chung và công nhân, lao động các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, nhiều lao động phải nghỉ việc khiến cuộc sống càng gặp nhiều khó khăn. Trước tình trạng đó, các cấp công đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động thiết thực hỗ trợ đoàn viên và người lao động có hoành cảnh đặc biệt khó khăn. Cụ thể, các cấp công đoàn đã hỗ trợ 1.468 đoàn viên, NLĐ khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh từ nguồn kinh phí công đoàn với tổng số tiền 734 triệu đồng; tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho 2.670 đoàn viên, NLĐ với số tiền 130 triệu đồng; đồng thời, tích cực vận động người sử dụng lao động hỗ trợ cho 1.076 NLĐ tại doanh nghiệp với kinh phí gần 512 triệu đồng.

Đại diện LĐLĐ tỉnh tặng quà cho công nhân, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Đại diện LĐLĐ tỉnh tặng quà cho công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Là đoàn viên được nhận hỗ trợ do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, trong Tháng Công nhân năm 2020, chị Đinh Thị Ngọc Huyền (Trường Mầm non Quốc tế, TP. Buôn Ma Thuột) cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, sẻ chia của tổ chức công đoàn đối với gia đình mình. Gia đình chị vốn thuộc diện hộ nghèo, phải ở nhà trọ, bao nhiêu năm qua một mình chị đi dạy kiếm tiền nuôi hai con nhỏ. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhà trường tạm thời ngưng việc dạy học nên trong 3 tháng 2, 3, 4 năm 2020 chị phải tạm thời nghỉ việc không lương khiến cuộc sống càng khó khăn. Chính vì vậy, phần quà (1 triệu đồng) mà LĐLĐ tỉnh hỗ trợ vừa giúp chị có thêm kinh phí để trang trải sinh hoạt vừa tiếp thêm nghị lực, niềm tin vươn lên trong cuộc sống.

Một hoạt động cũng được tổ chức công đoàn chú trọng triển khai hằng năm đó là chương trình xây dựng nhà “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, NLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Những căn nhà được xây dựng với số tiền hỗ trợ chỉ từ vài chục triệu đồng nhưng đã tạo động lực giúp họ vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà kiên cố, vững chãi. Đơn cử như trường hợp chị Nguyễn Thị Loan, đoàn viên Công đoàn cơ sở xã Ea Rốk (huyện Ea Súp), cuộc sống nhiều khó khăn, chồng không may qua đời để lại đứa con nhỏ mới học lớp 4 và mẹ chồng già yếu. Chính vì thế, bao nhiêu năm qua một mình chị bươn chải cũng chỉ đủ lo miếng ăn cho cả gia đình chứ không dám tính đến việc xây dựng căn nhà kiên cố. Biết được hoàn cảnh của chị Loan, cuối năm 2020, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 50 triệu đồng để xây dựng ''Mái ấm công đoàn'', giúp chị yên tâm công tác.

LĐLĐ thị xã Buôn Hồ bàn giao nhà
LĐLĐ thị xã Buôn Hồ bàn giao nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, những năm qua, LĐLĐ tỉnh luôn chú trọng hoạt động hỗ trợ xây dựng nhà ''Mái ấm công đoàn'' cho các đoàn viên ở cơ sở có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; nhất là ở những khu vực vùng sâu vùng xa, giao thông đi lại cách trở. Trong năm 2020, các cấp công đoàn đã vận động đoàn viên ủng hộ 4,2 tỷ đồng cho Quỹ  ''Mái ấm công đoàn''. Qua đó, hỗ trợ xây mới và sửa chữa 133 nhà “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng, vượt 33% chỉ tiêu đề ra năm 2020.

Ngoài ra, các cấp công đoàn đã duy trì Quỹ đoàn kết tương trợ với tổng số tiền trên 30 tỷ đồng, giải quyết cho trên 5.325 lượt người vay; mỗi lượt vay từ 5 đến 10 triệu đồng đã hỗ trợ NLĐ giải quyết khó khăn, phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập; LĐLĐ tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội các huyện cho 37 hộ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, phát triển kinh tế với tổng vốn vay 942 triệu đồng. Đến nay, các dự án vay vốn chăm sóc cà phê, hồ tiêu, mua bò sinh sản thực hiện khá hiệu quả, giúp gia đình đoàn viên tăng thu nhập bình quân 25 đến 30 triệu đồng/hộ/năm...

Đắk Lắk là một trong những địa phương trao tặng nhà ''Mái ấm công đoàn" nhiều nhất cả nước, trung bình khoảng 100 căn nhà/năm.

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.