Multimedia Đọc Báo in

An toàn cho trẻ trong mùa hè COVID-19

12:00, 24/06/2021

Không phải là lần đầu tiên, nhưng năm nay, dịch COVID-19 khiến mùa hè của trẻ em đến sớm và có thể kéo dài hơn. Một mùa hè đặc biệt hơn những mùa hè khác, song cũng khiến nhiều phụ huynh “đau đầu” tìm phương án sao cho trẻ có một mùa hè vui và an toàn.

Thay vì để con một mình với các thiết bị điện tử, nhiều phụ huynh đã có những sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh để giúp trẻ có những trải nghiệm thú vị, bổ ích khi ở nhà. 

Chị Vũ Thị Lý (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) vừa làm việc trực tuyến tại nhà, vừa chăm con. Chị đã cố gắng sắp xếp thời gian để cùng con vượt qua "mùa hè COVID" bằng cách rèn cho con làm việc nhà. Chị kiên trì chỉ cho con cách làm, từ việc nhẹ nhàng như phơi quần áo, xếp chăn màn, đổ rác đến lau nhà, rửa bát, nấu những món ăn đơn giản...

Sau đó mạnh dạn giao con đảm trách các phần việc trong gia đình mỗi ngày. Không thể theo sát con từng việc, chị nghĩ ra cách chấm điểm những việc con làm. Sau mỗi “mục tiêu” đạt được, chị cho con được quyền giải trí trên máy tính trong khoảng thời gian nhất định.

Theo chị, trong lần đầu, trẻ không tránh khỏi việc vụng về làm đổ ly nước trên sàn, vỡ vài ba cái chén, ly, dĩa... nhưng lâu dần, con sẽ thành thạo. “Gần một tháng hè nhẹ nhàng trôi qua mà bớt đi những lời quát mắng lúc căng thẳng, tôi cũng đỡ đần được việc nhà hơn. Nhờ những sinh hoạt này mà trẻ có thêm kỹ năng sống, biết chia sẻ và thương yêu bố mẹ nhiều hơn”, chị Lý cho biết.

Tương tự, chị Phạm Trúc Ngân (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) cho hay, bình thường mọi năm, cứ đến dịp hè là gia đình chị đều cho con đi du lịch biển hoặc tham gia các lớp học năng khiếu, nhưng năm nay các con chị phải ở nhà. Và để tránh tình trạng trẻ xem ti vi, điện thoại nhiều, chị tìm cách cho con tham gia các hoạt động sáng tạo. “Vốn biết chút ít về đan móc, tôi từng bước hướng dẫn con cách móc len, tư thế cầm cuộn len, kim đan, các kiểu đan cơ bản. Để dễ hiểu hơn, tôi cùng con ngồi vào bàn máy vi tính, tìm kênh YouTube xem hướng dẫn và thực hành cùng con. Để con không nản, tôi dành những lời khen để khích lệ con, sau đó nghĩ ra những trò chơi khác nhau từ những vật dụng đã làm được”, chị Ngân chia sẻ.

Còn với anh Trần Văn Hoàng (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) vốn biết con mình “mê đọc” nên anh mua thêm nhiều sách, truyện thiếu nhi cho cháu đọc. Sau mỗi câu chuyện đọc được, anh khuyến khích con tóm lược nội dung, chăm chú ngồi nghe con kể lại những kiến thức đọc được từ sách. Theo anh Hoàng, trẻ sẽ thích thú và cởi mở hơn khi có người bạn cùng đam mê, chịu khó ngồi lắng nghe chúng nói.

Rõ ràng, với việc chọn cho mình một cách để thích ứng, mùa hè đặc biệt đang mang đến những trải nghiệm thật khác cho các bậc phụ huynh và con trẻ. Kỳ nghỉ bổ ích trong những trang sách, "mùa hè COVID" quen dần với nấu nướng, với kỹ năng thuần túy như rửa chén bát, lau nhà, đan móc len… Đó là một trong những cách để con vừa học được những kỹ năng cần thiết, vừa giúp con hạn chế tiếp xúc với ti vi, máy tính và điện thoại thông minh nhất.

Trẻ tập làm những món ăn đơn giản, phù hợp với lứa tuổi tại nhà để có thêm kỹ năng sống.
Trẻ tập làm những món ăn đơn giản, phù hợp với lứa tuổi tại nhà để có thêm kỹ năng sống.

Theo PGS. TS. Bác sĩ Bùi Quốc Thắng, giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh, quản lý con ở nhà trong "mùa hè COVID", phụ huynh nên bảo đảm cho con có chế độ ăn uống đầy đủ chất, bảo đảm giờ giấc sinh hoạt, cho trẻ ngủ đủ giấc.  Tùy theo lứa tuổi, nên có các hoạt động về thể chất tại nhà (như nhảy dây, thể dục, chạy tại chỗ), chơi những môn thể thao trí tuệ (như cờ vua, xếp hình, giải toán đố)…  Phụ huynh cũng có thể tập cho trẻ làm quen với những công việc gia đình, khơi dậy niềm đam mê, hứng thú của trẻ trong mỗi công việc sẽ giúp trẻ trở nên năng động, sáng tạo và sống tình cảm hơn. Để tránh trẻ lạm dụng ti vi, điện thoại, tốt nhất phụ huynh nên sắp xếp thời khóa biểu trong ngày cho trẻ, không nên để trẻ có thời gian rảnh quá nhiều. Cha mẹ cũng cần lắng nghe, gần gũi, chuyện trò với trẻ nhiều hơn, khuyến khích con nói ra suy nghĩ, mong muốn của mình.

Đỗ Lan


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.