"Cõng" chợ về buôn
Tại các thôn, buôn vùng sâu vùng xa, ngoài những “chợ cóc” tự phát quy mô vừa và nhỏ còn có một đội quân "cõng" chợ trên những chiếc xe đạp, xe máy vào các buôn, thôn xa xôi.
Dù không thỏa thuận trước nhưng hoạt động của các “chợ di động” này khá chuyên nghiệp, mỗi người chọn bán một vài mặt hàng thực phẩm khác nhau, len lỏi vào các ngõ ngách, nẻo đường cung cấp các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày của người dân. Trong tình hình dịch COVID-19 hoành hành, những người “cõng" chợ về buôn này cùng với “đội quân” shipper góp phần không nhỏ cung cấp hàng hóa cho người dân.
Tờ mờ sáng hằng ngày, ông Võ Sanh Hoàng (ở khối 5, thị trấn Krông Kmar) lại vượt hơn 15 km thồ các mặt hàng rau, củ, quả cùng với những món hàng được người dân đặt trước đến khu chợ tại khu vực có biệt danh “3 phường” thuộc xã Hòa Phong. Ông Hoàng chia sẻ, buôn bán mặt hàng rau củ quả tuy lợi nhuận không cao song tiền vốn bỏ ra cũng không nhiều. Để sống được với nghề suốt hàng chục năm qua, ông Hoàng luôn coi trọng chất lượng hàng hóa, chọn mua hàng ở các nhà vườn có địa chỉ rõ ràng, giá bán thì ngang bằng hoặc thấp hơn so với giá bán ở một số chợ trung tâm. Ở các buôn, bà con người dân tộc thiểu số thường không có tiền mặt nên ông sẵn sàng trao đổi sản phẩm hai chiều hoặc cho ghi nợ. Sau nhiều năm buôn bán, ông Hoàng có lượng khách hàng khá đông, nhiều gia đình có việc hiếu hỉ đều nhờ ông mua hàng giúp, xem ông như người trong buôn. Khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, mỗi lần “cõng" chợ vào buôn, thay vì dừng tại một địa điểm bán hàng thì ông chủ động mang hàng đến trước từng nhà để người dân tiện mua…
Người dân buôn Ngô ra mua hàng trước nhà. |
Là người có thâm niên “cõng" chợ vào buôn gần 20 năm nay, bà Ngô Thị Thu Ba (ở thôn 10, xã Khuê Ngọc Điền) hằng ngày rong ruổi trên đoạn đường dài 80 km cả đi và về mang cá khô, trứng gà, trứng vịt đến tận các thôn, buôn vùng sâu Yang Mao phục vụ nhu cầu người tiêu dùng. Bà Ba cho biết: Do đường sá đi lại khó khăn, trứng lại là mặt hàng dễ vỡ phải tránh ổ voi, ổ gà nên bà phải đi chậm, có nhiều hôm bán hàng xong về đến nhà đã chập choạng tối... Việc buôn bán hằng ngày cũng đủ trang trải cuộc sống của gia đình bà.
Đã thành thông lệ, cứ khoảng 15 giờ chiều hằng ngày, vợ chồng ông Lê Mạnh (ở thôn 5, xã Hòa Phong) lại chia nhau đi bán hàng. Vợ ông vào thôn Noh Prông (vùng dân di cư ngoài kế hoạch cách xa nhà 11 km), còn ông Mạnh vào buôn Ngô bán cá, rau xanh. Trước đây vợ chồng ông thường dừng xe nơi gần ngã tư hoặc khu dân cư bàn cờ để nhiều người ra mua, nhưng từ khi xuất hiện dịch COVID-19, người dân hạn chế đi lại, vợ chồng ông Mạnh phải đến từng nhà bán hàng.
Mai Viết Tăng