Multimedia Đọc Báo in

Mối tình không thể chia ly

08:38, 18/07/2021

Mối tình thủy chung, son sắt mà “cái chết vẫn không thể chia lìa lứa đôi” của vợ chồng ông Dương Dũng (69 tuổi) và bà Ngô Thị Hồng (đã qua đời) ở thôn 3, xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) là một câu chuyện đẹp được người dân địa phương nhắc mãi...

Quê ông Dũng ở Hội An, tỉnh Quảng Nam. Năm 1971, để trốn quân dịch, ông Dũng cùng vài người bạn trong thôn rủ nhau đến Huế làm nghề mộc. Ông đã gặp bà Hồng khi “thấy cô gái Huế chân đi không đành”, rồi tình yêu giữa hai người lớn dần theo năm tháng… Sau “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, ông Dũng về quê làm việc, do phương tiện thông tin liên lạc ngày ấy còn hạn chế nên hai người chỉ liên lạc với nhau qua những lá thư viết vội…

Cuộc tình tưởng chừng viên mãn thế nhưng chiến tranh khốc liệt, phần lớn các gia đình ở vùng quê ấy tản cư vào Đà Nẵng để tránh bom đạn. Nghe tin gia đình người yêu cũng rời quê cũ lánh nạn vào Đà Nẵng, hằng ngày ông Dũng đạp xe đạp quanh các khu tạm cư để tìm kiếm bà Hồng, gần một tháng đi tìm hai người cũng gặp được nhau… Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất (30-4-1975), gia đình bà Hồng hồi cư về Huế, dự định khi cuộc sống dần ổn định thì hai người sẽ “về chung một nhà” vào tháng 3-1976.

Ông Dũng cất giữ những bộ áo dài, nón, giày, dép của vợ rất cẩn thận.
Ông Dũng cất giữ những bộ áo dài, nón, giày, dép của vợ rất cẩn thận.

Đến ngày giờ đã định, gia đình ông Dũng mang lễ vật ra Huế để tổ chức lễ cưới, nhưng khi đến nơi, trước mặt ông chỉ là một nền đất trống, không nhà, không người, hỏi thăm hàng xóm mới biết gia đình bà Hồng đã đi kinh tế mới… Ông thuyết phục gia đình cố ở nán lại vài ngày để thăm dò tin tức. Khi biết được địa chỉ của gia đình người yêu, ông Dũng vội vã trở về báo lại cho gia đình, ngày hôm sau, đoàn nhà trai đi bộ 23 km qua những con đường dốc gập ghềnh khúc khuỷu đến nhà cô dâu và rồi đám cưới cũng được diễn ra với sự hiện diện của hai bên gia đình với vài người hàng xóm thân thuộc.

Tháng 11-1976, vợ chồng ông Dũng đăng ký đi xây dựng kinh tế mới ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông). Dù cuộc sống nơi quê hương mới vô vàn khó khăn, vất vả nhưng gia đình ông luôn đầy ắp tiếng cười, hạnh phúc càng đong đầy khi lần lượt những đứa con ra đời. Ông Dũng nhớ lại: Có lần cả hai đứa con lớn bị sốt rét, vợ chồng ông mỗi người bồng bế một đứa, đi bộ trên 15 km lên Trung tâm Y tế huyện Krông Bông điều trị cả tuần, đến bữa ăn vợ chồng ăn khoai, sắn lót bụng, nhường phần cơm lại cho con. Trong suốt 37 năm chung sống, vợ chồng ông không hề xảy ra cãi cọ hay to tiếng, những khi có điều gì chưa hài lòng, cả hai đợi đến lúc con đi ngủ mới ôn tồn giãi bày, chia sẻ cùng nhau.

Một ngày mùa đông năm 2013, bà Ngô Thị Hồng đột ngột qua đời ở tuổi 58. Đến nay, đã gần 2.800 ngày kể từ ngày vợ rời cõi tạm, bất kỳ ngày nắng hay ngày mưa, gió bão hay lụt lội, cứ vào khoảng 16 giờ chiều, ông Dũng lại đến nghĩa trang thắp nhang hoặc thay hoa trên mộ bà Hồng, chờ cho đến lúc tàn hương mới lặng lẽ trở về nhà. Đặc biệt, bên cạnh bàn thờ vợ, ông còn có một chiếc tủ gương lưu giữ kỷ vật của người vợ từ những bộ quần áo, những chiếc áo dài cho đến nón, giày, dép của bà thường dùng lúc sinh thời và ông coi đó là những kỷ vật quý giá hơn cả bạc vàng.

Mai Viết Tăng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.