Multimedia Đọc Báo in

Ngành y tế mở rộng hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19

06:05, 22/07/2021

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngành y tế đã mở rộng, nâng cao năng lực hệ thống điều trị nhằm đáp ứng tình hình thực tế khi các ca bệnh liên tục gia tăng trong những ngày qua.

Liên tiếp ghi nhận bệnh nhân COVID-19

Sau khi 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, số lượng công nhân, học sinh, sinh viên của tỉnh đang lao động, học tập tại các địa phương này trở về Đắk Lắk tăng lên đột biến.

Những ngày qua, ngoài công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, Sở Y tế đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh lập các chốt để khai báo y tế cũng như kích hoạt 100% các tổ COVID-19 cộng đồng tại thôn, buôn, tổ dân phố để đánh giá và nắm được người từ các tỉnh, thành về nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, từ đó sàng lọc, điều tra, truy vết, xét nghiệm các trường hợp có yếu tố liên quan, hạn chế thấp nhất nguy cơ dịch bệnh lây lan rộng.

Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế hạng C.
Nhân viên Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột xét nghiệm SARS-CoV-2 cho tài xế hạng C.

Theo ước tính sơ bộ về dịch tễ học di chuyển của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một ngày trung bình tỉnh ta có 4.500 người di chuyển từ các vùng dịch về bằng nhiều hình thức (ô tô, xe máy, máy bay...). Đây là một trong những yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bùng phát về số ca mắc COVID-19 trên địa bàn.

Trong đợt dịch lần thứ tư, tính đến 18 giờ ngày 21-7, toàn tỉnh đã ghi nhận 37 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; đáng chú ý, chỉ trong 4 ngày (từ 17 đến 21-7) đã ghi nhận 33 trường hợp. Theo Giám đốc Sở Y tế, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Nay Phi La, hiện tại theo sự truy vết, báo cáo của tất cả trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, làn sóng dịch có thể sẽ lan rộng với số ca tăng nhanh trong những ngày tới. Dự báo từ thời điểm này trở đi, ít nhất một ngày tỉnh sẽ ghi nhận từ 4 - 10 ca bệnh, số lượng này phụ thuộc vào việc truy vết cũng như khai báo y tế của công dân, đặc biệt là công tác giám sát, phát hiện từ những người ở vùng dịch trở về tại cộng đồng.

Gấp rút đưa Bệnh viện dã chiến 1.000 giường bệnh vào hoạt động

Trước tình hình số ca bệnh và các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan không ngừng gia tăng, ngoài điểm cách ly tập trung tại Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên với số lượng 300 giường, Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng kích hoạt thêm khu cách ly tập trung tại Ký túc xá Trường Đại học Luật và Trung tâm Huấn luyện của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Tây Nguyên.

Khu ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk sẽ được trưng dụng để làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.
Khu ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk sẽ được trưng dụng để làm Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19.

Đối với hệ điều trị, ngoài Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh có năng lực 100 giường, ngành y tế cũng đang gấp rút triển khai đưa Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 với quy mô 1.000 giường bệnh đi vào hoạt động. Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La cho biết, Bệnh viện dã chiến sẽ được đặt tại 3 tòa nhà của Ký túc xá Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk. Đây là nơi thu dung, điều trị số ca mắc mới phát hiện (F0) qua xét nghiệm không có triệu chứng của bệnh và các trường hợp đang được cách ly tập trung có nguy cơ cao chuyển từ F1 thành F0. Sau khi các bệnh nhân được thu dung, điều trị tại đây sẽ được phân loại độ nặng để kịp thời chuyển lên tuyến trên phù hợp, góp phần giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện được phân công tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong do COVID-19.

Ngoài việc huy động nhân lực, vật lực từ Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Y tế, một số bệnh viện tư nhân trên địa bàn cùng 300 sinh viên năm cuối của Trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Buôn Ma Thuột, tại đây sẽ có lực lượng quân đội (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh), Công an tỉnh cùng một số cơ quan đơn vị ngoài ngành y tế tham gia để phục vụ công tác hậu cần, đảm bảo an ninh.

Cùng với đó, ngành y tế còn tiến hành thành lập khu điều trị hồi sức tích cực (ICU) tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trước mắt là 20 giường, sau đó có thể nâng cấp lên thành 80 giường. Khi đưa ICU vào điều trị, trang thiết bị cũng phải đồng bộ, đảm bảo ít nhất mỗi bệnh nhân phải có được một máy thở... 

Theo Giám đốc Sở Y tế Nay Phi La, khó khăn lớn nhất đối với ngành y tế là tới thời điểm này không thể kêu gọi hỗ trợ từ Bộ Y tế vì tại các tỉnh, thành phố đều có dịch. Do vậy, ngành phải thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong phòng chống dịch, trước mắt là trang thiết bị và con người tại chỗ để điều trị COVID-19.

Kim Hoàng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.