Multimedia Đọc Báo in

Quản lý, bảo vệ rừng đối mặt nhiều áp lực

08:11, 13/07/2021

Thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng luôn được các cấp, ngành của tỉnh quan tâm, nhiều vụ phá rừng đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tuy nhiên do áp lực từ nhiều phía nên công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Manh động tấn công lực lượng giữ rừng

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2021, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 326 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 218,1 m3 gỗ, 216 phương tiện, công cụ các loại. So với cùng kỳ năm trước số vụ vi phạm giảm, nhưng các vi phạm liên quan hành vi chống người thi hành công vụ và phá rừng trái pháp luật lại tăng.

Điển hình vào ngày 11-1, tổ tuần tra gồm 7 người của Trạm kiểm lâm số 4, thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Nam Kar tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng tại các tiểu khu 1025, 1279, 1280 phát hiện một nhóm đối tượng người dân tộc thiểu số có hành vi khai thác, vận chuyển gỗ trái phép tại tiểu khu 1025. Khi tổ tuần tra yêu cầu các đối tượng dừng lại để xử lý thì các đối tượng dùng ná cao su, dao, rựa, gậy tấn công. Hậu quả khiến 2 người của tổ công tác là ông Lưu Ánh Hồng và ông Y Khôi Kbin bị thương ở đầu, ngất xỉu phải đi cấp cứu.

Nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra địa điểm tuần tra bảo vệ rừng.
Nhân viên bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông kiểm tra địa điểm tuần tra bảo vệ rừng.

Hay như ngày 27-1, Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông phối hợp với Đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng số 2 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông và UBND xã Cư Drăm tuần tra, kiểm tra tại khu vực khoảnh 6, tiểu khu 1164 thuộc lâm phần do xã Cư Pui quản lý, phát hiện một bãi tập kết 25 phách gỗ xoay với khối lượng 2,82 m3 và một bãi tập kết gỗ khác, cách đó khoảng 300 m với 23 phách gỗ khối lượng hơn 3 m3. Tại thời điểm kiểm tra không xác định được chủ sở hữu, người quản lý số lâm sản nói trên. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng đưa phương tiện vào chở số gỗ trên về xử lý, nhiều người dân tụ tập ngăn cản, không cho phương tiện vào chở gỗ, dùng đinh sắt đặt trên đường, tháo dỡ cầu (cầu do người dân tự làm để đi vào rừng). Phải mất nhiều giờ tuyên truyền, vận động, người dân mới vãn đi để lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. 

Bên cạnh đó, tình trạng xâm nhập vào rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật đang khiến các chủ rừng hết sức vất vả với công tác bảo vệ tài nguyên rừng. Ông Lê Minh Tiến, Giám đốc Khu BTTN Ea Sô chia sẻ: Đơn vị hiện quản lý hơn 26.800 ha rừng, tiếp giáp với 5 huyện của 3 tỉnh, trong đó tỉnh Đắk Lắk có huyện Ea Kar tiếp giáp với huyện Sông Hinh của tỉnh Phú Yên và huyện Krông Pa của tỉnh Gia Lai. Vị trí địa lý như vậy tạo áp lực rất lớn đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng của đơn vị. Đặc biệt là khu vực giáp ranh với các tỉnh bạn thời gian gần đây tình trạng xâm hại rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản diễn biến ngày càng phức tạp. Các đối tượng thường tập trung từ 20 - 30 người đi vào Khu BTTN Ea Sô để khai thác gỗ trái phép. Sau đó, dùng xe máy "độ chế" men theo những đường mòn, lối mở để vận chuyển ra ngoài. Trong khi đó, điều đáng ngại nhất là khu vực giáp ranh với các tỉnh có chiều dài khoảng 54 km lại nằm rất xa Ban quản lý và các vị trí đặt trạm quản lý bảo vệ rừng, chẳng hạn như vị trí tiếp giáp với huyện Krông Pa cách Ban quản lý gần 100 km nên nếu có sự cố xảy ra, việc điều động lực lượng, phương tiện để xử lý công việc gặp rất nhiều khó khăn.

Nhức nhối vấn nạn phá rừng làm nương rẫy

Đi đôi với tình trạng khai thác lâm sản trái phép, vấn nạn phá rừng để lấn chiếm đất sản xuất cũng diễn ra phức tạp.  Đơn cử như tại lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông trong 5 tháng đầu năm 2021 đã xảy ra gần 430 vụ phá rừng trái pháp luật làm thiệt hại khoảng 105 ha.

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do trong lâm phần của đơn vị nói riêng và địa bàn huyện Krông Bông nói chung có số lượng dân di cư tự do đông, kéo theo nhu cầu đất ở, đất sản xuất lớn nên người dân thường xuyên xâm nhập vào rừng trái phép để lấn chiếm đất. Về phía chủ rừng, lực lượng, phương tiện phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, trong khi các đối tượng phá rừng dùng đủ "chiêu trò" để đối phó. “Điều đáng ngại nữa là cách thức phá rừng của người dân cũng hết sức tinh vi, ban đầu họ chỉ phát dọn những cây bụi, thực bì nhỏ phía dưới nên khó phát hiện, chờ đến khi thảm thực bì khô là họ tiến hành đốt khiến cây lớn cũng chết theo, biến rừng thành đất trống để canh tác. Các đối tượng thường phá rừng theo từng khoảnh nhỏ lẻ, manh mún để diện tích phá không đủ xử lý hình sự… khiến công tác phát hiện, xử lý răn đe các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn”, ông Tuấn cho hay.

Một diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.
Một diện tích rừng bị phá để lấy đất sản xuất ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN - PTNT, trong những năm qua Nhà nước đã chú trọng đầu tư nâng cao hiệu quả của công tác quản lý, bảo vệ rừng, tuy nhiên nguồn lực đầu tư hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu đối với công tác này, đặc biệt là đặc thù vùng rừng Tây Nguyên - nơi đang đối mặt với rất nhiều áp lực như: nạn phá rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản, săn bắt động vật hoang dã...

Do đó, về lâu dài cần tăng cường nguồn lực đầu tư tương xứng để nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, bảo vệ rừng; có thêm những chính sách phát triển kinh tế, xã hội để tạo việc làm, góp phần nâng cao đời sống của bà con gần rừng, vì chỉ có làm được như vậy mới giảm được sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên rừng; tăng cường giải quyết triệt để vấn nạn dân di cư tự do... Đồng thời cần sự vào cuộc hơn nữa của các cấp, các ngành để chung tay, chung sức nâng cao nhận thức của người dân, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật mới nâng cao được hiệu quả của việc giữ rừng.

Bảo Ngọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.