Nghề luật sư... lưu động
Khác với những văn phòng luật sư, khi người dân muốn đến tư vấn phải mất tiền; nhưng với họ có nhiều điều đặc biệt: tự tìm đến với người dân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, trợ giúp pháp lý nhiệt tình và hoàn toàn miễn phí...
Đi tư vấn miễn phí mà lo đủ thứ
Có đôi dịp theo chân những cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh (thuộc Sở Tư pháp) đi trợ giúp pháp lý, một điều ấn tượng là mọi người luôn luôn xuất phát đúng giờ. Trung tâm có trụ sở tại 39 đường Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột), nên mỗi lần đi công tác, có những nữ nhân viên của Trung tâm, nhà ở dưới huyện, con mới chỉ vài tháng tuổi, việc phải dậy từ sáng sớm tinh mơ để kịp giờ là chuyện bình thường. Anh chị em trong đoàn thường bảo nhau rằng: “Mình có thể đợi nhưng đừng để người dân phải đợi mình”. Địa bàn “hành nghề” của họ hoàn toàn là những vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Một buổi trợ giúp pháp lý tại xã Ea Ning, huyện Cư Kuin. |
Một ngày tháng 9, theo kế hoạch, Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh đi trợ giúp pháp lý lưu động tại huyện Buôn Đôn. Buổi sáng, cơn mưa tầm tã suốt từ Buôn Ma Thuột đến xã Ea Huar như muốn thách thức đoàn trợ giúp viên của Trung tâm. Anh chị em trong đoàn ai cũng phấp phỏng vì lo mưa gió thế này chẳng có ai đến để nghe trợ giúp pháp lý. Đi trợ giúp miễn phí nhưng ai cũng sốt sắng lắm! Nhưng rồi ai cũng mừng vì dù trời mưa nhưng bà con đến khá đông. Các trợ giúp viên tận tình ra tận cửa hỏi thăm và dẫn bà con vào chỗ ngồi. Buổi chiều cùng ngày, tại xã Ea Wer, trời nắng như đổ lửa. Nhà văn hóa cộng đồng buôn Tul A - địa điểm tổ chức trợ giúp pháp lý cho bà con các buôn Tul A, Tul B nóng bức, bàn ghế lại không đủ cho mọi người ngồi. Thấy vậy, các trợ giúp viên lại tất tả nhờ cán bộ địa phương đi tìm chiếu. Nhưng bà con cũng nhiệt tình, không bàn không ghế, chẳng ngần ngại, rủ nhau vô tư ngồi bệt ngay xuống sàn nhà để nghe tư vấn.
Trung tuần tháng 10, một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại xã Ea Ning (huyện Cư Kuin), 8 giờ sáng theo đúng lịch làm việc, cả đoàn có mặt thôn 4 của xã mà chưa thấy bóng dáng người dân nào đến. Ai cũng lo lắng, đứng ngồi không yên vì chỉ sợ lặn lội vào đến tận nơi mà chẳng được tư vấn cho ai. Nhưng chỉ mươi, mười lăm phút sau, khi trưởng thôn thông báo trên loa truyền thanh thì bà con kéo nhau đến chật kín hội trường lớp mẫu giáo thôn. Người rồng rắn đem theo cả con cháu, đứa đã biết đi, đứa vẫn đang ôm bầu ngực mẹ; không có chỗ ngồi, mọi người đứng bên cửa sổ, ngồi ngoài hành lang để nghe. Thì ra, hôm đó đang là dịp cao điểm vụ thu hoạch lúa, bà con tranh thủ phơi phóng rồi mới đến được. Tuy có muộn hơn so với thời gian thông báo nhưng với đoàn cán bộ của Trung tâm, bà con đến đông đủ là mừng rồi!
Một điều đặc biệt nữa là chẳng cần trang trí hoành tráng, mỗi lần đi trợ giúp như thế, rất đơn giản, cán bộ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý chỉ cần căng lên một tấm panô với nội dung về trợ giúp pháp lý lưu động, thế là xong những thủ tục về hình thức, bài trí và họ đã sẵn sàng để trợ giúp, tư vấn cho bà con bằng tất cả nhiệt huyết, sự say mê.
Hết hỏi mới về
Theo quy trình của mỗi buổi trợ giúp pháp lý lưu động, các trợ giúp viên của Trung tâm giới thiệu khái quát về Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh; các đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí; tuyên truyền một số luật có liên quan mật thiết đến đời sống; hướng dẫn người dân ghi câu hỏi và trực tiếp giải đáp. Mở đầu của những buổi tư vấn, bao giờ trưởng đoàn cũng căn dặn bà con mạnh dạn hỏi, các trợ giúp viên sẽ giải đáp khi nào hết hỏi mới về. Một thực tế là người dân vùng sâu vùng xa quanh năm tất bật chuyện nương rẫy, ít cầm bút nên cũng ngại viết, mà thú thực là cũng có người không biết viết. Vậy là cán bộ của Trung tâm lại lần lượt đi hỏi từng người rồi nhanh chóng giúp họ ghi chép những băn khoăn, thắc mắc để trên cơ sở đó tư vấn và giải đáp. Tất cả các câu hỏi của bà con đều được các trợ giúp viên đọc và trả lời cụ thể từng ý kiến. Một số trường hợp cần giải quyết thấu đáo hơn thì các trợ giúp viên hướng dẫn bà con đem hồ sơ, giấy tờ trực tiếp lên Trung tâm để tiếp tục được trợ giúp. Chuyện trợ giúp viên phải đứng hàng giờ đồng hồ trả lời gần trăm câu hỏi liên quan đến các quy định của luật không còn xa lạ. Đơn cử là gần đây nhất, tại buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại thôn 2, xã Ea Ning (huyện Cư Kuin), riêng những thắc mắc, băn khoăn liên quan đến đất đai, đến chế độ chính sách với hộ nghèo, các trợ giúp viên đã giải đáp gần 70 câu hỏi. Sau khi câu hỏi của mình được giải đáp thỏa đáng, nhiều người dân ra về, buổi trợ giúp có khi chỉ còn lại một người nhưng đoàn trợ giúp vẫn kiên trì ở lại lắng nghe và tư vấn, bất kể giờ giấc.
Người dân vô tư ngồi ngay xuống sàn nhà để nghe trợ giúp pháp lý. |
Mỗi giải đáp có thể chỉ một vài phút nhưng với những người dân còn đang thiếu kiến thức, thông tin phổ thông về pháp luật, rõ ràng đó là một bước vạch đường quan trọng để họ tìm được cách giải quyết các vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan đến luật đang khúc mắc. Hơn thế, những buổi trợ giúp pháp lý lưu động như thế càng đặc biệt có ý nghĩa khi mục đích hướng tới là để giúp đỡ về mặt pháp lý cho người nghèo, đối tượng chính sách chưa có được điều kiện tiếp cận với tổ chức trợ giúp pháp lý; tạo điều kiện cho các đối tượng không có khả năng kinh tế, phương tiện, điều kiện tiếp cận với tổ chức trợ giúp pháp lý, giảm được thời gian, chi phí đi lại cho đối tượng. Qua hoạt động này, người dân được cung cấp thông tin pháp luật, được giải đáp thắc mắc, hiểu thêm về quyền và nghĩa vụ công dân. Trợ giúp pháp lý lưu động còn giúp chính quyền giải tỏa những vụ việc vướng mắc pháp luật, giải quyết những bất cập giữa chính quyền với dân trong đời sống hằng ngày tại địa phương, giữ gìn sự đoàn kết trong cộng đồng, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, góp phần tạo niềm tin của nhân dân với chính quyền.
Và kết thúc mỗi buổi đi trợ giúp pháp lý lưu động như thế, trên hành trình trở về, ngồi trên xe, các trợ giúp viên vẫn tiếp tục sôi nổi luận bàn, thảo luận về những trường hợp đặc biệt mà người dân đã hỏi và cần trợ giúp...
Đàm Thuần
Ý kiến bạn đọc