Ngăn chặn việc xâm phạm bí mật thông tin cá nhân
Tình trạng làm lộ bí mật thông tin cá nhân hiện nay khá phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng nghiêm trọng. Chẳng có gì quá bất ngờ, ngạc nhiên khi một ngày nào đó bạn bỗng nhận được điện thoại từ một người hoàn toàn xa lạ, có khi ở cách xa hàng nghìn cây số. Sau màn chào hỏi rất lịch sự, ân cần là lời mời chào bạn tham gia một chương trình nào đó hoặc đề nghị mua một ấn phẩm sách báo hay mua bảo hiểm..., tất nhiên là kèm theo lời quảng cáo về những khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt. Điều đáng nói là họ không những biết số điện thoại, tên tuổi của bạn mà còn biết rất rõ về gia đình, nơi làm việc, vị trí công tác, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, con cái, địa chỉ nhà riêng... Việc này không những gây phiền hà, rắc rối trong cuộc sống, sinh hoạt bình thường, thậm chí có thể dẫn đến việc bạn bị chiếm đoạt tài sản trong tài khoản, hoặc bị tống tiền, bôi nhọ danh dự cá nhân...
Trong thời đại tội phạm công nghệ cao xuất hiện ngày càng nhiều như hiện nay thì việc tiết lộ, cung cấp thông tin cá nhân ra bên ngoài một cách bất hợp pháp là khá nguy hiểm. Bởi vì, dựa vào các thông tin cá nhân có được, các đối tượng xấu, tổ chức tội phạm sẽ khai thác, sử dụng thông tin này để thực hiện hành vi lừa đảo, tống tiền hoặc chiếm đoạt tài sản của người khác. Điều này không những ảnh hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến trật tự - an toàn xã hội, xa hơn có thể là ảnh hưởng đến bí mật quốc gia, an ninh chính trị của đất nước.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm tình trạng khai thác, sử dụng thông tin cá nhân một cách bất hợp pháp. Theo đó, nghiêm cấm hành vi đánh cắp, cung cấp, mua bán thông tin cá nhân mà chưa được sự đồng ý của chủ sở hữu nhằm phòng ngừa nguy cơ bị sử dụng vào các mục đích bất chính, vụ lợi gây thiệt hại cho người dân.
Phạm Văn Chung
Ý kiến bạn đọc