Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác chiêu lừa đảo đồ giả là cổ vật

08:36, 05/05/2017

Thời gian gần đây, một số đối tượng lợi dụng sự hám lợi, thiếu hiểu biết của người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa để lừa bán những món đồ đã được “phù phép” thành đồ cổ với giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực của chúng.

Ngày 15-4 vừa qua, người dân xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc đã vây bắt 3 đối tượng bán đồ cổ gồm: Lê Phước An (SN 1992), Phạm Thái Hải (SN 1985) và Nguyễn Vũ Linh (SN 1997), đều trú tại xã Long Chữ, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh cùng tang vật là 3 bình bát tiên và 6 con cóc ngậm đồng tiền. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, với một lô hàng mạ đồng (gồm 1 bình bát tiên và 2 con cóc ngậm tiền) mua từ TP. Hồ Chí Minh có giá 2 triệu đồng sau đó dùng đất bôi lên các đồ vật để đánh lừa người mua đó là đồ cổ. Đóng vai là những công nhân làm việc tại các công trình xây dựng, mang theo túi đồ được làm bằng kim loại mạ đồng, với cùng một kịch bản là vô tình đào được “cổ vật”, các đối tượng trên đã dễ dàng lừa người dân bỏ ra hàng chục triệu đồng để mua những món đồ cổ giả. Điều đáng nói, sau khi bị lừa, thay vì đi trình báo với cơ quan công an thì nhiều người lại chọn cách im lặng, tạo cơ hội cho kẻ gian tiếp tục lừa nhiều người khác.

Người dân trình báo sự việc  với  cơ quan công an.
Người dân trình báo sự việc với cơ quan công an.

Đơn cử, trường hợp của bà Lê Thị T. (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc), khi bà đang nghỉ trưa thì có 2 thanh niên ghé hỏi tìm thầy cúng vì họ mới vô tình đào được 1 bình bát tiên và 2 con cóc ngậm đồng tiền trong lúc đào móng nhà, rồi tìm cách gạ bán cho bà. Cùng lúc đó, 2 người này liên tục nhận được điện thoại trả giá các lô hàng với giá cao, khiến bà T. tin đó là đồ cổ thật nên đã mua những món đồ trên với giá 10 triệu đồng. Chỉ đến khi con trai bà đi làm về, xem và cho biết chúng chỉ là đồ giả, được bày bán rất nhiều trên thị trường thì bà mới “té ngửa” là mình đã bị lừa, nhưng vì xấu hổ đã giấu nhẹm đi.

Cũng vì cả tin, ông Lương Văn V. (xã Ea Ktur, huyện Kuin) đã bỏ ra 16 triệu đồng để được sở hữu món “đồ cổ” gồm 2 bình bát tiên và 1 con cóc. Sau khi mua, ông Vinh nghi ngờ là đồ giả nên đã đi tìm và bắt gặp nhóm này đang lừa bán món hàng tương tự cho 1 người dân khác nên tri hô mọi người vây bắt.

Chiêu trò lừa đảo này khá phố biến ở một số tỉnh miền Tây nhưng ở Đắk Lắk mới manh nha, chính vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác, tránh trường hợp “tiền thật mua của giả”. Khi gặp những đối tượng trên, cần báo ngay cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương. Đối với những trường hợp lỡ bị lừa cũng cần trình báo sự việc với công an, tránh để xảy ra sự việc tương tự.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc