Multimedia Đọc Báo in

Nguyên Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar lĩnh án 1 năm tù giam vì nhận hối lộ

14:58, 17/10/2017

Trong 2 ngày (13 và 16-10), TAND tỉnh đã tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử và tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hoa (55 tuổi, nguyên Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar) 1 năm tù giam về tội nhận hối lộ.

Trước đó, TAND tỉnh đã phải hoãn xét xử 4 lần vì không triệu tập được những người liên quan đến vụ án. Tại phiên tòa, người tố cáo bà Hoa là ông Nông Văn Thụt (48 tuổi, ở xã Cư Yang, huyện Ea Kar) hiện đang chấp hành bản án của một vụ án khác tại trại giam Đắk Trung (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) cũng được trích xuất đến tham dự.

Bị cáo Trương Thị Hoa tại phiên tòa sơ thẩm.
Bị cáo Trương Thị Hoa tại phiên tòa sơ thẩm.

Theo cáo trạng, khoảng cuối tháng 10-2016, trong thời gian làm Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar, bà Trương Thị Hoa được phân công thụ lý, giải quyết vụ án ông Nông Văn Thụt phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Biết bà Hoa thụ lý vụ án, ông Thụt đã đến phòng làm việc của bà Hoa để nhận cáo trạng và đặt vấn đề xin giảm nhẹ hình phạt. Sau đó, bà Hoa đã gợi ý “chung chi” 80 triệu đồng để được xét xử cho hưởng án treo (nếu không mức xử phạt sẽ từ 5 năm đến 15 năm tù giam).

Sau nhiều lần đòi ông Thụt đưa tiền, ngày 5-12-2016, ông Thụt cùng vợ mang 80 triệu đồng đến nhà đưa cho bà Hoa. Quá trình này, ông Thụt đã quay clip rồi trình báo với cơ quan chức năng. Ngày 6-12-2016, bà Hoa bị bắt để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Tại cơ quan điều tra, bà Hoa đã khai nhận hành vi phạm tội của mình và giao nộp 80 triệu đồng đã nhận của ông Thụt.

Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thụt cho rằng mức án 1 năm tù mà Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trương Thị Hoa là quá nhẹ nên ông Thụt đã làm đơn kháng cáo và nộp ngay sau khi kết thúc phiên tòa.

Hà Duy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.