Multimedia Đọc Báo in

Công an huyện Krông Búk nỗ lực đẩy lùi tệ nạn ma túy

08:10, 15/07/2021

Thời gian qua, Công an huyện Krông Búk đã tập trung lực lượng, triển khai quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ triệt phá nhiều tụ điểm ma túy phức tạp trên địa bàn. Qua đó, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Là địa phương nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, giáp ranh với các huyện Ea H’leo, Cư M’gar và thị xã Buôn Hồ, cũng là một trong những đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực nên tình hình an ninh trật tự ở huyện Krông Búk tương đối phức tạp, nhất là tội phạm và tệ nạn ma túy. Theo số liệu thống kê của Công an huyện Krông Búk, toàn huyện có 96 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 17 trường hợp bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã; 11 trường hợp đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc; 6 trường hợp đã đưa vào cơ sở điều trị cai nghiện bắt buộc.

Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Krông Búk) đấu tranh khai thác một đối tượng  về hành vi tàng trữ chất ma túy.
Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Krông Búk) đấu tranh khai thác một đối tượng về hành vi tàng trữ chất ma túy.

Tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu ở địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số như các xã Cư Kpô và Cư Né.

Điển hình như vụ việc mới xảy ra vào ngày 4-7-2021 vừa qua, Công an huyện Krông Búk đã ập vào một quán nước bên đường thuộc buôn Mùi, xã Cư Né, bắt quả tang đối tượng Nguyễn Thị Sáng (SN 1977, trú thôn Ea Sôr A, xã Ea Nam, huyện Ea H’leo) đang thực hiện hành vi mua bán trái phép chất ma túy. Lực lượng chức năng đã thu giữ 5,295 gam ma túy loại hêrôin và 8 tép ma túy cùng loại đã được chia nhỏ đựng trong các ống nhựa để bán cho các đối tượng nghiện hút. Tại cơ quan công an, đối tượng Sáng khai nhận: số tang vật bị thu giữ nói trên là ma túy được mua từ một người không rõ lai lịch về để bán cho các con nghiện trên địa bàn với mục đích kiếm lời.

Trước đó, vào ngày 22-6-2021, tại thôn Kty 5, xã Cư Kpô, Công an huyện Krông Búk đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Kim Toàn (SN 1969, trú tổ dân phố 7, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) về hành vi tàng trữ chất ma túy. Nguyễn Kim Toàn là đối tượng đã từng có tiền án về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, bị Công an thị xã Buôn Hồ bắt vào ngày 10-8-2018, chịu án phạt tù 3 năm. Đối tượng này chưa được xóa án tích thì lại bị Công an huyện Krông Búk bắt quả tang về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy.

Không chỉ xử lý các hành vi mua bán và tàng trữ chất ma túy, Công an huyện Krông Búk còn phát hiện nhiều vụ trồng cây cần sa trong các khu vực rẫy cà phê. Chẳng hạn tại khu vực rẫy cà phê của ông Trương Bá Trọng Tín (SN 1987, trú buôn Kô, xã Cư Né) trồng 350 cây cần sa. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, số cây cần sa nói trên trồng từ đầu tháng 4-2021, với mục đích để cho gia súc, gia cầm ăn; hạt giống cây do một người bán gà không rõ thông tin lai lịch cung cấp cho gia đình.

Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa tại khu vực rẫy gia đình ông Trương Bá Trọng Tín. Ảnh: Công an huyện Krông Búk cung cấp
Lực lượng chức năng nhổ bỏ cây cần sa tại khu vực rẫy gia đình ông Trương Bá Trọng Tín. (Ảnh: Công an huyện Krông Búk cung cấp)

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, Công an huyện Krông Búk đã xử lý 7 vụ, 10 đối tượng tàng trữ trái phép chất ma túy, thu giữ 0,8604 g hêrôin, 2,4674 g methamphetamin; xử lý 4 vụ, 4 đối tượng trồng 653 cây cần sa… Theo Thiếu tá Lê Minh Cảnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an huyện Krông Búk), tội phạm và tệ nạn ma túy gia tăng là do thói ăn chơi đua đòi của một bộ phận giới trẻ bỏ học ở nhà chơi bời lêu lổng, muốn thử cảm giác mạnh, nhất là giới trẻ trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đáng lo ngại là đa số người nghiện ma túy trên địa bàn huyện có tuổi đời từ 18 - 30 tuổi, không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống rất khó khăn nên thường xuyên trộm cắp tài sản để lấy tiền mua ma túy sử dụng. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến các loại tội phạm và tệ nạn khác phát sinh.

“Tội phạm ma túy rất liều lĩnh, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng để tẩu thoát; một số đối tượng nghiện nhiễm bệnh hiểm nghèo, quá trình truy bắt dễ bị lây nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe cán bộ, chiến sĩ. Gần đây, có một số đồng chí Công an xã Cư Kpô trong quá trình truy bắt tội phạm đã bị đối tượng ma túy chống trả quyết liệt gây thương tích và bị phơi nhiễm HIV phải đi khám điều trị”, Thiếu tá Lê Minh Cảnh chia sẻ.

Thiếu tá Lê Văn Thanh, Phó trưởng Công an huyện Krông Búk cho biết, trong thời gian tới đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng chống ma túy, tác hại của ma túy đến các hộ gia đình, dòng họ, trường học, cơ quan, doanh nghiệp, địa bàn dân cư; vận động thanh thiếu niên không sử dụng, không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy; không dung túng, bao che cho tội phạm và tệ nạn ma túy. Đồng thời, tiếp tục rà soát, thống kê số người nghiện ma túy trên địa bàn; quản lý chặt chẽ người sử dụng ma túy tại địa bàn cơ sở; thực hiện tốt công tác lập hồ sơ đưa những người nghiện vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và quản lý sau cai nghiện. Tiếp tục tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội trên địa bàn; mở các đợt cao điểm tấn công, truy quét tội phạm và tệ nạn ma túy; tổ chức đấu tranh quyết liệt triệt phá các tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy, kiên quyết không để hình thành các đường dây buôn bán, vận chuyển các chất ma túy lớn trên địa bàn.

Thanh Nga


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.