Khổ vì… cho điểm Ban giám hiệu
Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, sau mỗi năm học các trường phải tổ chức họp toàn thể cán bộ giáo viên để góp ý, nhận xét, đánh giá toàn diện Ban giám hiệu theo các tiêu chuẩn đã quy định.
Việc làm này đã phát huy tính dân chủ trong nhà trường, qua đó Ban giám hiệu biết được ưu nhược điểm của mình để phát huy, điều chỉnh, hoàn thiện bản thân, các cấp quản lý có thêm cơ sở để đánh giá năng lực, phẩm chất cán bộ. Thế nhưng việc đánh giá này cũng còn mang tính hình thức. Dễ thấy nhất đó là:
Theo quy định, việc đánh giá Ban giám hiệu (hiệu trưởng và hiệu phó) được thực hiện thông qua việc đánh giá và cho điểm từng tiêu chí trong mỗi tiêu chuẩn. Cái khổ là tính điểm, hễ trường nào Ban giám hiệu nhiều người thì trường đó lại phải đánh giá nhiều và cũng chưa chắc đánh giá lại chính xác. Bởi lẽ, để khỏi phải lo việc tính tổng điểm xếp loại, thường giáo viên cho những con số tròn trịa, nhất quán trong các tiêu chí cho dễ tính. Ví dụ cho các tiêu chí điểm 9 hoặc 8...để cộng trừ nhân chia cho dễ.
Cũng theo quy trình đánh giá, Ban giám hiệu phải tự đọc bản kiểm điểm của mình sau đó hội đồng sư phạm phát biểu ý kiến, nhận xét về việc làm được, chưa được. Cuối cùng mới đến công đoạn cho điểm vào phiếu. Điều này đôi khi còn bất cập ở chỗ, giữa phát biểu bằng lời nói và đánh giá cho điểm khó nhất quán với nhau. Thật ra, nhiều khi phát biểu, nhận xét một đằng nhưng lại cho điểm một nẻo.
Theo yêu cầu, Ban giám hiệu phải biết ngoại ngữ. Thế nhưng một điều chắc chắn là phần lớn Ban giám hiệu và cán bộ giáo viên (trừ giáo viên ngoại ngữ) đều có bằng cấp hoặc chứng chỉ ngoại ngữ nhưng khi sử dụng thì chỉ biết dăm ba câu mà thôi. Vậy ai cho điểm ai hay là cho có? Đây là một tiêu chí còn xa rời thực tế khi đánh giá chuẩn hiệu trưởng, hiệu phó hiện nay.
Trước khi đánh giá, hiệu trưởng và hiệu phó phải tự đọc bản nhận xét, đánh giá của mình. Thế nhưng nhiều bản nhận xét cũng chỉ là hình thức, là “điệp khúc” nghe mãi năm này qua năm khác. Có những bản “kể công” nhiều hơn là đánh giá, ghi phần ưu điểm nhiều hơn khuyết điểm. Khổ nhất là khi tới phần biện pháp khắc phục nhiều người lại hứa “rút kinh nghiệm”. Thử hỏi những người được cho là đứng tuổi thì bao nhiêu tuổi mới hết rút kinh nghiệm?
Tóm lại, đánh giá, xếp loại hiệu trưởng, hiệu phó cuối một năm học là một việc làm đáng hoan nghênh, nhưng đánh giá, nhận xét thế nào để tránh hình thức, người được đánh giá thấy được điểm mạnh điểm yếu của mình đó mới là một cách làm thiết thực.
Ngô Mã Thiên
Ý kiến bạn đọc