Multimedia Đọc Báo in

Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định: Gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền cơ sở

09:57, 09/11/2012

Mặc dù chỉ mới giữa học kỳ I năm học 2012-2013, nhưng tình trạng dạy thêm, học thêm (DTHT) đã “nóng” lên trông thấy.

Không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh tiểu học (TH), trung học cơ sở (THCS) “tay xách nách mang” cặp sách, ăn vội vàng đi đến chỗ học thêm cho kịp giờ khi tiếng trống tan trường vừa điểm. Thậm chí “cua” học thêm này chưa hết giờ phụ huynh đã xin phép cô giáo cho con ra sớm hơn vài phút để còn kịp chở đến chỗ học thêm khác. Một lãnh đạo ngành Giáo dục thừa nhận, thu chi đầu năm học và DTHT là 2 vấn đề nổi cộm đang tập trung giải quyết. Đối với DTHT trong trường, ngành Giáo dục còn có thể kiểm soát nhưng dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì đành “bó tay”, nhất là khi hoạt động này đang có xu hướng biến tướng, được “che đậy” rất tinh vi. Vị lãnh đạo này trăn trở, DTHT trái quy định, nhất là ở bậc tiểu học khiến những người tâm huyết trong ngành Giáo dục không khỏi bận lòng.

Học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột học nhóm tại lớp.
Học sinh Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP. Buôn Ma Thuột học nhóm tại lớp.

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh và ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực nhưng có vẻ như càng siết chặt quản lý thì DTHT càng gia tăng! Đơn cử từ đầu năm học 2012-2013 đến nay, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột đã có 2 văn bản chỉ đạo quản lý về việc DTHT  trong và ngoài nhà trường gửi các trường TH, THCS, các tổ chức, cá nhân có tổ chức DTHT và UBND các xã, phường. Mới đây ngày 31-10, Phòng này lại tiếp tục có văn bản tham mưu cho UBND thành phố về việc tăng cường quản lý DTHT. Nếu như trước đây chỉ kêu gọi giáo viên với đạo đức nghề nghiệp nêu cao tinh thần gương mẫu, thì gần đây ngành Giáo dục còn đề nghị gắn trách nhiệm quản lý của các địa phương (cụ thể là Chủ tịch UBND xã, phường) trong việc giải quyết tình trạng DTHT tràn lan (theo đúng Thông tư số 17 ban hành ngày 16-5-2012 của Bộ trưởng Bộ GD- ĐT quy định về DTHT). Theo đó các xã, phường phải thường xuyên kiểm tra hoạt động DTHT để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm; đồng thời có trách nhiệm xác nhận hồ sơ xin cấp hoặc gia hạn giấy phép dạy thêm, học thêm cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện theo quy định. Hy vọng sự vào cuộc của chính quyền cơ sở sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn đối với DTHT, một vấn đề khá nhức nhối hiện vẫn chưa có hướng giải quyết dứt điểm.

Nguyên Hoa 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.