Kinh nghiệm học và thi cho các em học sinh cuối cấp
Lo lắng, hồi hộp, căng thẳng là tâm trạng chung của tất cả học sinh trước và trong khi thi. Đó là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng tới khả năng làm bài của các em. Trong bài viết này, xin chia sẻ cùng các em một số kinh nghiệm để học và thi cử hiệu quả:
Cần ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để có sức khỏe tốt
Các em nên ăn uống điều độ, không bỏ quên bữa sáng vì đây là bữa ăn quan trọng nhất. Trong bữa ăn nên có đầy đủ các dưỡng chất: tinh bột, đường, chất đạm, chất béo, chất xơ…, ăn nhiều rau củ quả giàu vitamin để tăng sức đề kháng, uống nhiều nước để làm mát cơ thể.
Ảnh minh họa |
Không nên uống quá nhiều cà phê, trà đặc… bởi chúng chứa các chất kích thích, có hại cho sức khỏe. Nếu muốn tỉnh táo để học bài thì nên pha nước trà loãng để uống. Bên cạnh đó, các em có thể thả lỏng cơ thể một chút, thư giãn, rửa mặt bằng nước mát để tỉnh táo hơn.
Nên thường xuyên thư giãn bằng cách tập thể dục, vận động thân thể. Đặc biệt những lúc nghỉ ngơi, các em cũng có thể nhắm mắt lại và nghe một vài bản nhạc không lời nhẹ nhàng vì việc nghe nhạc rất tốt cho trí nhớ, giúp ngủ ngon, giảm căng thẳng…
Một điều quan trọng nữa là phải ngủ đủ, Nếu ngủ không đủ giấc kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, nên ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày, buổi trưa cũng cần chợp mắt khoảng 30 phút, không ngủ nhiều hơn vì sẽ gây mệt mỏi cơ thể, buổi tối nên ngủ trước 23 giờ và thức dậy lúc 5 giờ sáng.
Nên tránh áp lực nặng nề về việc học tập
Cứ mỗi năm sau Tết Nguyên đán, các bạn học sinh cuối cấp lại thường rất lo lắng cho những kỳ thi quan trọng sắp đến. Đó là kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh cao đẳng, đại học. Những thời điểm như vậy, các sĩ tử lo lắng cũng đúng, bởi với số lượng bài vở nhiều, lịch thi dày đặc. Không ít em quá lo lắng, đầu óc căng thẳng dẫn đến tình trạng trầm cảm, tự kỷ, thậm chí tìm lối thoát hết sức cực đoan để thoát khỏi áp lực thi cử.
Đã có nhiều trường hợp, học theo kiểu "nước tới chân mới nhảy", cả học kỳ không lo học, hoặc học hành lơ là đối phó đến khi chuẩn bị thi thì ôm sách học ngày học đêm, mà chẳng biết bắt đầu học từ đâu thì học và thi làm sao được? Việc để cận kề ngày thi mới học dồn nén, học đêm học ngày rất có hại cho sức khỏe, dẫn đến stress vì tâm lý hoang mang, chỉ sợ không học hết, học không kịp. Vì vậy, các em nên sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý để chuẩn bị tốt về mặt tâm lý cũng như các kiến thức cần thiết cho kỳ thi. Cần cân đối việc học và nghỉ ngơi, thư giãn đầu óc. Không để đến phút chót mới vội vã ôn tập hay học tủ một số nội dung, trông chờ may rủi của số phận…
Các em cũng không nên đặt mục tiêu quá cao so với khả năng của mình và tự nhủ phải chắc chắn đạt được điều đó. Thực ra, người có chí tiến thủ là tốt, nhưng khi áp đặt mình vào một tình thế là phải đạt được mục đích cao nhất đó thì lại không tốt chút nào, như thế sẽ rất căng thẳng cho mình. Hãy biết trân trọng những thành quả nhỏ, dần dần các em sẽ đạt được thành công lớn hơn.
Học và thi có phương pháp
Ở trên lớp, cách tốt nhất là các em chăm chú nghe thầy cô giảng bài. Tập trung để hiểu rõ nội dung thì mới mau thuộc bài. Nếu không hiểu thì hãy mạnh dạn hỏi lại thầy cô hay bạn bè, nên làm một vài bài tập thực hành cho nhanh hiểu bài.
Nên học tính kiên trì, đừng vội nản chí. Nhiều học sinh khi gặp những câu hỏi, vấn đề rắc rối và khó hiểu là bỏ qua không học, điều đó thể hiện tính chủ quan và nhanh nản chí, đó là một thói quen rất nguy hiểm, bởi biết đâu trong đề thi sắp tới sẽ có những câu hỏi đó. Vì thế, các em nên nhớ, nếu gặp phải những câu hỏi hay những vấn đề khó, phức tạp thì không được chủ quan bỏ qua mà càng phải học thật kỹ, học và tìm hiểu cho tới khi nào thấy hiểu ra thì mới thôi.
Hơn nữa, các em cần phải cố gắng học để hiểu, học tư duy chứ không phải là đọc thuộc bài. Bởi vì khi em đã hiểu nội dung đó thì khi vào phòng thi gặp phải câu hỏi đó em có thể không thuộc hết nhưng em có thể tự triển khai ra theo ý mình. Còn học thuộc mà không hiểu thì khi mất bình tĩnh sẽ quên hết ngay.
Về tài liệu học tập, ngoài sách giáo khoa, các em cần phải đọc thêm tài liệu tham khảo, sách bài tập, tài liệu hướng dẫn ôn luyện… thì việc ôn tập mới có hiệu quả. Các em cũng có thể hỏi bạn bè, ý kiến thầy cô, hoặc bổ sung kiến thức tại các trang ôn thi trực tuyến như Onthi.net.vn.
Biết kiềm chế cảm xúc để bình tĩnh khi bước vào phòng thi
Đây là một vấn đề quan trọng vì khi bước vào phòng thi và ngồi chờ đến giờ phát đề thi thường thì ai cũng hồi hộp, lo lắng. Các em hãy cố gắng thật thoải mái, nếu thấy rằng mình đang bắt đầu lo lắng rồi thì hãy hít sâu và thở ra từ từ, rồi dần dần thư giãn.
Khi nhận đề thi, cứ bình tĩnh, đọc qua một lượt đề thi, sau đó đọc kỹ để xác định đúng yêu cầu của đề thi và hãy viết ra nháp những công thức quan trọng, những định nghĩa…( đối với môn thi khối tự nhiên), gạch ý chính cho phần trả lời các câu hỏi ra giấy nháp (đối với môn thi khối khoa học xã hội). Sau đó, các em xác định thời gian cho từng câu và bắt tay vào làm từng câu một, triển khai từ các ý đã dàn ý từ lúc đầu.
Một điều cần lưu ý, là các em cần chia thời gian cho đều để hoàn thành tốt tất cả các câu hỏi của đề thi. Khi thời gian không còn nhiều, thay vì phân tích sâu các ý thì các em chỉ cần phân tích qua, nhưng phải trình bày cho đủ ý và bài viết cần phải có kết luận. Nên để dành ít nhất 5 phút để xem lại bài làm của mình. Ra khỏi phòng thi, hãy tranh thủ nghỉ ngơi để chuẩn bị cho môn thi mới, không nên phân vân gì về môn thi vừa qua. Hãy để khi thi xong hoàn toàn rồi hãy xem lại tất cả.
Th.s. Hồ Thị Nghĩa
Ý kiến bạn đọc