Ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2013: Những cách làm linh hoạt
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013 đang bước vào giai đoạn nước rút, không khí ôn tập ở các trường THPT trên địa bàn tỉnh "nóng" đến từng học sinh khối lớp 12. Để củng cố kiến thức vững chắc và tạo tâm lý thoải mái các em trước khi bước vào kỳ thi chính thức, nhiều trường đã chủ động đưa ra những hình thức ôn tập sáng tạo và phù hợp.
Thường xuyên củng cố kiến thức
Năm học 2012-2013, Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng có 176 học sinh khối lớp 12. Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Ban Giám hiệu nhà trường đã xây dựng kế hoạch, phương pháp, bố trí đội ngũ giáo viên tâm huyết và có kinh nghiệm tổ chức ôn tập... Ngoài việc củng cố kiến thức trong các buổi học chính khóa, nhà trường cũng đã chủ động phụ đạo cho học sinh vào buổi chiều và tối. Trong quá trình ôn tập, giáo viên sẽ tiến hành phân loại học sinh để xây dựng kế hoạch và đề cương ôn tập phù hợp với từng đối tượng. Trong đó, với học sinh học lực trung bình - yếu, nhà trường đã tổ chức ôn tập cho các em theo hình thức kèm – dò (mỗi tuần học 3 buổi chiều và 3 buổi tối). Với phương pháp này, các em được giáo viên truyền đạt và củng cố kiến thức cơ bản để chuẩn bị cho kỳ thi; đồng thời, giáo viên cũng đi sâu, đi sát hơn bằng việc kiểm tra khả năng tiếp thu, ghi nhớ của các em vào buổi học của ngày hôm sau. Riêng học sinh khá giỏi được ôn luyện theo chương trình nâng cao để đáp ứng nhu cầu ôn thi tốt nghiệp và kỳ thi đại học. Xác định kỳ thi tốt nghiệp là tiền đề để hướng đến việc thi đại học nên trong thời gian qua, ngoài quá trình ôn tập ở trường và các lớp phụ đạo, em Vi Thị Tươi (lớp 12A1) cùng các bạn trong lớp còn thường xuyên tự học ở trường vào buổi chiều và buổi tối để hỗ trợ nhau trong việc củng cố kiến thức. Bên cạnh đó, qua quá trình tham gia học phụ đạo lớp nâng cao, em không những nắm vững kiến thức các môn thi tốt nghiệp mà cả các môn thi đại học (khối B).
Được biết, việc tổ chức các lớp phụ đạo cho học sinh được nhà trường triển khai từ đầu cấp năm học, chính điều này đã giúp quá trình học và ôn tập thi tốt nghiệp của các em có nhiều thuận lợi hơn. Cô Tô Thị Minh Thu Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Ngay từ khi vào lớp 10, chúng tôi đã tiến hành dạy phụ đạo thêm để củng cố và nâng cao kiến thức cho các em. Cụ thể, nhà trường phân loại học sinh theo học lực để giáo viên có kế hoạch giảng dạy tốt nhất. Theo đó, các học sinh khá-giỏi sẽ tham gia lớp cận nâng cao và nâng cao, học sinh trung bình-khá học lớp bám sát và học sinh yếu-kém thì học theo chương trình củng cố kiến thức". Nhờ áp dụng phương pháp ôn tập này nên những năm gần đây, học lực của học sinh nhà trường đã có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đặc biệt, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của Trường PTDTNT Nơ Trang Lơng đạt 100%.
Học sinh trường THPT Buôn Ma Thuột làm bài thi thử tốt nghiệp môn Ngoại ngữ. |
Ôn thi theo nguyện vọng
Đối với Trường THPT Buôn Ma Thuột, do chất lượng đầu vào khá cao, học lực của học sinh tương đối đồng đều nên kỳ tốt nghiệp với hầu hết các em là vấn đề bình thường, có thể nói là không quá nặng nề. Tuy nhiên, để tránh tình trạng học sinh chủ quan, lơ là nhà trường luôn nhắc nhở các em chú trọng đến các môn thi tốt nghiệp; đồng thời yêu cầu giáo viên phải có kế hoạch hệ thống, củng cố kiến thức, kỹ năng làm bài cho học sinh. Việc ôn thi tốt nghiệp chủ yếu là hướng dẫn cách làm bài, cách ghi nhớ, trả lời câu hỏi trắc nghiệm, các kiến thức cơ bản... Theo đó, nhà trường đã tổ chức các buổi ôn tập 6 môn thi tốt nghiệp để hệ thống hóa kiến thức cơ bản cho các em từ ngày 6-5 đến hết ngày 18-5. Ngoài ra, nhằm bổ sung một số kiến thức bị “hổng” ở các bộ môn, nhà trường cũng đã tổ chức ôn tập theo nhu cầu đăng ký học của học sinh. Điều này tạo ra nhiều lợi ích thiết thực giúp các em nắm vững kiến thức môn mình còn yếu, giảm thiểu tình trạng một số em không có nhu cầu, dẫn đến chất lượng học không hiệu quả. Trong số 6 môn thi tốt nghiệp, các môn Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ... vẫn thu hút số lượng lớn học sinh đăng ký học.
Em Phạm Thị Thanh Thu (lớp 12C1) chia sẻ: "Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp đạt kết quả tốt nhất, em đã dành nhiều thời gian ôn tập kiến thức cơ bản và nâng cao. Sau thời gian ôn tập ở trường và học nhóm với các bạn, em đi học thêm ba môn Toán, Văn và Ngoại ngữ, đây là những môn mà em sẽ thi đại học, và cũng là những môn thi tốt nghiệp". Ngoài ra, với hầu hết học sinh khối lớp 12 ở các trường, hình thức ôn tập theo nhóm cũng được đẩy mạnh và phát huy hiệu quả. Thông thường, các giáo viên bộ môn sẽ kết hợp với giáo viên chủ nhiệm bố trí, khuyến khích những học sinh có học lực khá, giỏi hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm, giúp các bạn học lực trung bình, yếu. Cách học này vừa giúp học sinh tự kiểm tra, đánh giá kết quả ôn tập của mình, đồng thời phát hiện những phần kiến thức còn thiếu sót để bổ sung kịp thời và có thể trao đổi với nhau những cách ôn tập hiệu quả nhất. Thầy Nguyễn Văn Tánh (giáo viên môn Hóa học, Trường THPT Buôn Ma Thuột) cho biết, trong quá trình ôn tập cho các em để chuẩn bị thi tốt nghiệp, các giáo viên phải bảo đảm hoàn thành chương trình môn học theo thời gian quy định, không cắt xen hay học quá tải. Đồng thời, kết hợp tổ chức ôn và thi thử tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 theo các dạng đề của những năm trước. Từ đó rút kinh nghiệm và điều chỉnh nội dung phương pháp dạy ôn hợp lý.
Có thể nói, sự quan tâm của các trường trong việc giảng dạy, củng cố kiến thức không chỉ với học sinh cuối cấp mà ngay từ khi mới bước vào trường THPT nên các em có thể nắm vững kiến thức cơ bản cũng như phát huy năng lực, định hướng của mình trong việc chọn ngành và chọn nghề. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ đắc lực từ các nguồn sách tham khảo, internet góp phần phục vụ hoạt động ôn luyện thi như làm bài thi trắc nghiệm, tìm kiếm đề thi, phương pháp giải bài tập... góp phần giúp học sinh thực hành tốt hơn trong các môn học. Thiết nghĩ, để việc ôn tập đạt hiệu quả cao, đòi hỏi sự vào cuộc không những của nhà trường, mà đó còn là của các bậc phụ huynh và chính bản thân các em. Hiện nay, việc tổ chức ôn tập cho học sinh ở các trường đều đã thể hiện tính chủ động. Hy vọng sự tích cực chuẩn bị ôn luyện kiến thức của các nhà trường, thầy cô giáo và sự nỗ lực của mỗi học sinh sẽ giúp các em tự tin bước vào kỳ thi, đạt kết quả như mong đợi.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc