Multimedia Đọc Báo in

“Quả ngọt” từ phong trào xây dựng gia đình hiếu học

10:19, 06/05/2013

Hơn 100 gia đình hiếu học vừa được Hội Khuyến học tỉnh tuyên dương là những bông hoa đẹp trong “rừng hoa” khuyến học, khuyến tài toàn tỉnh. Tinh thần lao động cần cù và vun trồng sự học của  mỗi gia đình đã gặt quả ngọt khi con cái chăm chỉ học hành và vươn lên thành đạt, không những góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình mà của cả địa phương và toàn xã hội.

Tảo tần vun trồng sự học

Hơn 30 năm trước,  trong khi đời sống người dân nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi còn nhiều khó khăn, vất vả, ít có điều kiện lo cho việc học hành của con em  thì ở buôn Niêng, xã Ea Nuôl (huyện Buôn Đôn) có một gia đình người dân tộc thiểu số đã cố gắng cho con học hành đến nơi, đến chốn. Đó là gia đình bà H'nhăm Êban. Để có tiền lo cho con ăn học, vợ chồng bà không nề hà vất vả, quanh năm đầu tắt, mặt tối đủ mọi công việc, từ làm nương rẫy của nhà đến đi làm thuê làm mướn. Sự tần tảo, chịu thương, chịu khó của vợ chồng bà đã được đền đáp khi 6 người con lần lượt thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, bây giờ đã có việc làm và thu nhập ổn định. Quả thật, đây là một niềm hạnh phúc mà không phải gia đình nào cũng có được. Bà H'nhăm chia sẻ: "Trước năm 1975, cuộc sống gia đình tôi quá nghèo khó nên những đứa con lớn chỉ học hết cấp 2 rồi nghỉ ở nhà phụ bố mẹ đi làm kiếm sống. Nhận thấy việc phải cho con đi học để nâng cao kiến thức, từ đó góp phần giúp ích gia đình và xã hội, sau ngày giải phóng dù cuộc sống còn khó khăn tôi vẫn cố gắng chắt chiu, lo cho con ăn học. Được bố mẹ quan tâm động viên nên từ đứa con thứ sáu trở đi đều chăm chỉ học hành và đạt kết quả tốt, cháu nào học xong ra trường cũng có công việc ổn định nên tôi rất vui và càng cố gắng tạo điều kiện để những đứa sau cũng được học hành như anh chị". Hiện tại, người con thứ 12 của bà đang là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Dak Lak.

Các gia đình hiếu học tiêu biểu nhận Giấy chứng nhận của Hội Khuyến học tỉnh.
Các gia đình hiếu học tiêu biểu nhận Giấy chứng nhận của Hội Khuyến học tỉnh.

Rời quê hương Quảng Nam vào Dak Lak lập nghiệp từ năm 1987, vợ chồng bà Huỳnh Thị Phùng luôn tâm niệm phải cho con ăn học để thoát khỏi cái nghèo đeo đẳng bấy lâu. Chỉ với 400m2  đất khai hoang từ những ngày đầu đặt chân lên vùng đất kinh tế mới, nhưng vợ chồng bà đã tần tảo làm lụng, dành dụm lo cho các con ăn học, thậm chí phải bán bớt đất. Niềm vui, hạnh phúc càng nhân lên khi 4 người con lần lượt thi đậu đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui là nỗi lo thường trực khi chồng bà bất ngờ bị tai biến, phải nằm bệnh viện để chữa trị. Thời gian đó, những tưởng khó khăn sẽ khiến bà chùn bước, con đường học vấn của các con sẽ dừng lại; nhưng với ý chí và sự quyết tâm, bà vẫn động viên các con chăm lo học và phấn đấu đạt thành tích cao để không phụ lòng bố mẹ. Bà Phùng tâm sự: "Từ năm 2010 đến nay, khi chồng ngã bệnh, tôi vừa phải kiếm tiền chữa bệnh cho chồng, vừa nuôi con. Thấy tôi vất vả, các con thương mẹ nên xin nghỉ học để đi làm thêm kiếm tiền lo cho bố, nhưng tôi không đồng ý mà động viên các con nên cố gắng, đừng từ bỏ con đường học hành, nếu thương bố mẹ thì hãy học thật tốt để làm rạng danh gia đình và có tương lai tốt đẹp hơn".

Trên đây chỉ là số ít bông hoa đẹp trong “rừng hoa khoe sắc” về phong trào khuyến học, khuyến tài toàn tỉnh. Họ đã vượt lên hoàn cảnh để cho con cái được ăn học đến nơi đến chốn và góp phần cùng xã hội chăm lo cho sự nghiệp “trồng người”, phát triển nguồn nhân lực lao động sáng tạo trong tương lai.

Gặt "quả ngọt"

Từ ngàn xưa ông cha đã có câu “Cho bạc, cho tiền không bằng cho nghiên, cho bút”. Tiếp nối truyền thống hiếu học đó, nhiều gia đình đã cố gắng vượt qua bao khó khăn, vất vả để lo cho con học thành tài. Công lao to lớn của những bậc làm cha, làm mẹ sẽ được bù đắp khi các con thành công trong công việc và cuộc sống. Sự chăm sóc, dạy dỗ của họ rồi cũng đến ngày gặt "quả ngọt" như bà H'nhăm, bây giờ khi đã bước sang tuổi 80, nhìn lại những người con của mình khiến bà càng hạnh phúc: Anh Y Sê Êban (con thứ 8) hiện đang công tác tại Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn; anh Y Mem Êban (con thứ 9) công tác tại phòng Nội vụ huyện Buôn Đôn; H'bê Êban (con thứ 11) là giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn... Mỗi khi có dịp sum họp gia đình, bà đều nhắc nhở các con phải cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con cháu được đi học. Và cứ thế, người đi trước càng ý thức trách nhiệm để làm gương cho em út, đồng thời cố gắng học và còn làm thêm để trang trải chi phí sinh hoạt. Chính sự giáo dục của gia đình là nền tảng vững chắc giúp các con bà H'nhăm thành đạt.

Gia đình bà H'Biut Niê Siêng (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar) tuy vất vả bận rộn với công việc nhà nông nhưng vẫn luôn lo cho các con đều được đến trường. Đến nay 5 trong số 6 người con của bà đều có công việc ổn định, là những cán bộ, đảng viên gương mẫu, người công tác tại Thành đoàn Buôn Ma Thuột, người là giáo viên, riêng đứa con út đang học Trường Đại học Tây Nguyên. Bà H'Biut tâm sự, chỉ có chữ nghĩa mới mong đổi đời, thoát cảnh nghèo khó, lam lũ. Vì lẽ đó, vợ chồng bà luôn động viên, khuyến khích các con thi đua học tập, rèn luyện đạo đức để trở thành người có ích. Gia đình bà vinh dự là một trong 5 gia đình tiêu biểu của tỉnh được ra Hà Nội tham dự Đại hội gia đình hiếu học toàn quốc lần thứ III diễn ra vào tháng 10-2013.

 Để đạt danh hiệu gia đình hiếu học, đòi hỏi bản thân mỗi người, mỗi gia đình phải có quá trình cố gắng phấn đấu không mệt mỏi. Hơn thế nữa, chính sự kiên trì, cần cù lao động của bậc cha mẹ, ông bà là tấm gương sáng trong việc nuôi dạy con cháu. "Đến nay, việc xây dựng gia đình hiếu học trong cộng đồng dân cư đã thực sự trở thành phong trào thi đua sôi nổi rộng khắp, thường xuyên mang lại hiệu quả thiết thực không chỉ trong công tác khuyến học, mà còn thúc đẩy phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới"... ông Hà Ngọc Đào, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh nhận định. Quả thực, phong trào đã khơi dậy tinh thần thi đua học tập trong từng cá nhân, góp phần đào tạo hàng trăm học sinh, sinh viên trở thành những cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ. Trong số hơn 100 gia đình được biểu dương gia đình hiếu học cấp tỉnh, có nhiều hộ nông dân, cuộc sống rất nghèo khó nhưng vẫn quyết tâm vượt lên hoàn cảnh, tạo điều kiện cho các con ăn học thành đạt; có hộ cả 4 đến 5 người con đều tốt nghiệp đại học, cao học như gia đình ông Phạm Văn Đường (TP. Buôn Ma Thuột), bà Hoàng Thị Xuân Hồng (xã Ea Pôk, huyện Cư M'gar), Hoàng Thị Yến (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)...

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc