Multimedia Đọc Báo in

Để làm bài thi các môn xã hội hiệu quả

10:48, 03/05/2013

Đối với học sinh hiện nay, việc ôn thi các môn xã hội trong nhà trường phổ thông đang gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh lại chưa có kỹ năng làm bài thi  sao cho hiệu quả. Để chuẩn bị tốt trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, xin chia sẻ một vài kinh nghiệm làm bài sau thi các môn xã hội sau đây:

Cần đọc kỹ đề bài

Để làm tốt bài thi ở các môn xã hội, trước hết các thí sinh cần phải chú ý đọc kỹ đề thi. Việc đọc kỹ đề thi không những tránh được tình trạng xa đề, lạc đề mà còn giúp thí sinh tập trung vào những vấn đề mấu chốt của câu hỏi và tiết kiệm được lượng thời gian lớn khi làm bài thi. Những năm gần đây, để tránh học tủ, học lệch, nội dung đề thi thường ra theo hướng mở và phân bố khắp chương trình. Vì thế việc đọc kỹ đề sẽ giúp thí sinh không bị đánh lừa, từ đó sẽ lựa chọn được phương pháp làm bài thi hợp lý. Hơn nữa, cùng một lúc thí sinh phải học thi nhiều môn, lượng kiến thức nhiều, chắc chắn thí sinh sẽ học không nhớ hết được. Bởi vậy, khi làm bài gặp câu nào thuộc nhất hoặc nắm chắc nhất thí sinh nên làm trước để lấy điểm, sau đó mới làm những câu khác.

Để làm bài thi tốt, các thí sinh cần kết hợp  nhiều phương pháp làm bài. (Ảnh minh họa)
Để làm bài thi tốt, các thí sinh cần kết hợp nhiều phương pháp làm bài. (Ảnh minh họa)

Trình bày nội dung bài làm theo cấu trúc nhất định

Với mỗi môn học trong nhà trường THPT, khi làm bài thi thí sinh cần căn cứ vào nội dung yêu cầu của đề thi để xác định cấu trúc của bài làm sao cho hợp lý. Chẳng hạn như môn Ngữ văn: Ở những câu hỏi thuộc phần nghị luận xã hội và nghị luận văn học nhất thiết ta phải lập dàn ý cho bài làm của mình. Việc lập dàn ý sẽ giúp thí sinh không bị lạc đề, xa đề và viết lan man. Sau khi lập dàn ý xong, thí sinh cần viết lại thành một bài văn hoàn chỉnh. Ở hai phần nghị luận này, thí sinh lưu ý khi gặp những dạng câu hỏi như: Hãy “làm sáng tỏ”, “trình bày”, “phân tích”, “đưa ra nhận định”, “so sánh”... thì chúng ta phải vận dụng nhiều thao tác khác nhau khi làm bài. Bên cạnh đó, muốn bài làm thật sinh động và đạt điểm cao thì ta phải huy động nhiều kiến thức đã được học, phải biết liên hệ, so sánh… Với những câu hỏi kiến thức văn học, ta không nên làm thành một bài văn mà phải trả lời một cách ngắn gọn, chính xác và đầy đủ. Bên cạnh đó còn có những môn thi không đòi hỏi thí sinh phải trình bày như một bài văn, như môn Địa lý chẳng hạn. Giống môn Ngữ văn, đề thi môn này cũng có 2 phần: phần chungphần riêng. Dựa vào phương thức và các dạng câu hỏi, chúng ta có thể chia đề thi ra 2 phần: lý thuyết và thực hành. Trong phần câu hỏi kiểm tra về kiến thức, thí sinh cần nắm chắc nội dung câu hỏi để trả lời ngắn gọn, đủ ý. Còn phần thực hành vẽ biểu đồ và sử dụng Atlat địa lý, thí sinh nên nắm vững các dạng biểu đồ qua “từ khóa” để nhận dạng và vẽ cho đúng, đồng thời cần luyện tập kỹ năng sử dụng Atlat địa lý để tạo lợi thế trong khi làm bài.

Chú ý cách thức trình bày

Muốn có một bài thi hoàn chỉnh và đạt điểm tuyệt đối thì yếu tố trình bày đóng vai trò hết sức quan trọng. Nhiều thí sinh sau khi thi cảm thấy rất tự tin, tuy nhiên kết quả lại không được như mong muốn. Bên cạnh việc làm sai, làm thiếu thì bài làm còn mắc lỗi trình bày như: viết cẩu thả, chữ viết nguệch ngoạc, viết tắt nhiều và tùy tiện… Vì vậy, để bảo đảm tính rõ ràng, mạch lạc và chính xác cho từng câu trả lời, chúng ta có thể ghi rõ câu hỏi trước khi trả lời, tạo khoảng cách giữa các câu trả lời bằng cách xuống hàng hoặc gạch chân. Dẫn chứng hay số liệu phải cụ thể, đáng tin cậy. Chữ viết phải ngay ngắn, thẳng hàng, dễ đọc, không tẩy xóa nhiều… tất cả những điều đó sẽ gây thiện cảm với người chấm và thí sinh dễ đạt được điểm cao.

Cao Nguyên


Ý kiến bạn đọc